Kể từ khi Tần Thủy Hoàng qua đời, Trung Hoa một lần nữa rơi vào cảnh bạo loạn, các chư hầu xưng bá. Nổi lên trong thời loạn có hai nhân vật xuất chúng hoàn toàn trái ngược nhau.
Đó là Lưu Bang và Hạng Vũ. Hai người đi theo con đường khác nhau, với những sở trường và sở đoản khác nhau, nhưng chỉ có một người có thể thống nhất thiên hạ, lên ngôi hoàng đế.
Hạng Vũ có công trong việc lật đổ nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ Lưu Bang đầu thời nhà Hán. Dù thất bại trong cuộc chiến Hán Sở tranh hùng, nhưng Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ vẫn được hậu thế ca ngợi nhiều hơn so với Hán Cao Tổ Lưu Bang.
Cuộc đối đầu của Hạng Vũ – Lưu Bang.
Bối cảnh lịch sử, khi nhà Tần sụp đổ, nhiều nhóm nghĩa quân đã tập hợp những người dân địa phương lại để ủng hộ họ dưới ngọn cờ của nước cũ. Kết quả là Trung Hoa khi đó lại bị chia thành nhiều nước nhỏ, nhiều nước vẫn giữ tên từ thời Chiến Quốc với lãnh tụ thường là những người từ các gia đình quý tộc cũ.
Vào thời gian này, tương lai của Trung Hoa vẫn rất mờ mịt. Một vài người, đặc biệt là hậu duệ của những gia đình quyền lực của những nước chư hầu cũ thời Chiến Quốc cho rằng, một Chiến Quốc mới rất có thể lại xuất hiện và Trung Hoa lại có thể bị chia cắt bởi những vương triều khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn người dân đã rất mệt mỏi vì những cuộc chiến liên miên và hy vọng vào một lực lượng mạnh mẽ có thể kết thúc chiến tranh.
Trong số các vị vương này thì người mạnh nhất là Hạng Vũ, người lãnh đạo quân đội nước Sở, và cũng được sự khâm phục của nhiều nhóm quân khác sau trận Cự Lộc và trở thành người lãnh đạo các nhóm quân, mặc dù quyền lực của nước Sở trên danh nghĩa vẫn nằm trong tay Sở Nghĩa Đế. Năm 206 TCN, định mệnh của Trung Hoa gần như đã nằm trong tay của Hạng Vũ. Tuy nhiên, mặc dù là một nhà lãnh đạo quân sự tài ba, Hạng Vũ vẫn là người thiếu khả năng về chính trị. Khi đã có vị trí trong việc tạo dựng cơ đồ mới sau nhà Tần. Hạng Vũ tiến hành phân phong chư hầu thiên hạ, khi đó Lưu Bang vốn chỉ được phong ở đất Ba, đất Thục xa xôi, nhưng nhờ đút lót cho Hạng Bá là chú Hạng Vũ để xin hộ nên được phong thêm đất Hán Trung giàu có, đông dân hơn, gần Tam Tần hơn. Đó là cơ sở để ông tập hợp lực lượng.
Lưu Bang được tin Sở Nghĩa Đế bị Hạng Vũ giết, lại lấy cớ để tang Nghĩa Đế để đánh Sở, tập trung các chư hầu được 56 vạn quân, rầm rộ tiến vào kinh đô Tây Sở là Bành Thành.
Năm 205 TCN, Hạng Vũ đem quân về hướng bắc, nghe tin quân Hán vào Bành Thành, bèn sai các tướng đánh nước Tề, còn mình thì đem ba vạn tinh binh đi về hướng nam do đất Lỗ qua thành Hồ Lăng. Tháng Tư, quân Hán đều đã vào Bành Thành, thu của cải châu báu, gái đẹp, ngày nào cũng đặt tiệc rượu hội họp linh đình.
Bị Lưu Bang đánh lén và chiêu phản đòn khiến kẻ địch khiếp vía của Tây Sở Bá Vương
Trong trận chiến dai dẳng với Lưu Bang, danh tiếng của Hạng Vũ càng vang xa nhờ chiến thắng trong trận Bành Thành.
Nhớ lại lúc đó, Lưu Bang nhân cơ hội Hạng Vũ tấn công nước Tề liền lén lút dẫn 56 vạn binh đánh lén Bành Thành.
Khi nghe tin quân Hán đánh vào Bành Thành, Hạng Vũ nói với thuộc hạ:
"Các khanh cứ tiếp tục đánh Tề, ta mang ít người về chặn đánh hắn (chỉ Lưu Bang)".
Sau đó, ông chỉ đem theo 3 vạn kỵ binh trở về Bành Thành, nghênh chiến với đại quân 56 vạn người dưới tay Lưu Bang.
Trong trận đánh Bành Thành năm ấy, Hạng Vũ tiến công từ lúc mặt trời còn chưa mọc, tới lúc giữa trưa thì trận chiến đã kết thúc.
Kết quả là Lưu Bang đại bại, Hạng Vũ giết hơn mười mấy vạn quân Hán.
Tiếp đó, Tây Sở Bá Vương tiếp tục truy đuổi quân Hán từ Bành Thành thẳng tới Linh Bích.
Tàn binh dưới tay Lưu Bang liên tục bị quân Sở truy kích đến tận sông Tuy Thủy thuộc phía đông Linh Bách (nay là Linh Bích, Túc Châu, An Huy).
Không chỉ bị tiêu diệt thêm hơn mười vạn người, quân Hán còn buộc phải nhảy sông bỏ trốn, người chết đuối nhiều đến nỗi "nước sông không thể chảy được".
Sau trận Bành Thành, quân Hán gần như bị tiêu diệt sạch. Lưu Bang hốt hoảng dẫn mười mấy người chạy trốn, thậm chí còn bỏ lại cả cha đẻ và vợ để thoát thân.
Cuối cùng, Lưu Bang phải chạy đến tận Huỳnh Dương (Hà Nam) mới thoát khỏi sự truy sát của quân Sở.
Như vậy, Hạng Vũ chỉ dùng 3 vạn binh vẫn có thể đuổi đánh 56 vạn quân, hơn nữa còn truy kích liên tục từ Từ Châu (Giang Tô) tới tận Túc Châu (An Huy) và Huỳnh Dương (Hà Nam).
Mặc dù đã phải dùng đến chiêu trò đánh lén, nhưng Lưu Bang vẫn thất bại ê chề trong trận Bành Thành, thậm chí quân lực còn tiêu tán.
Cả đời chỉ bại một trận duy nhất
Ngoại trừ trận đánh cuối cùng tại Cai Hạ, cả đời Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ chưa từng thất bại.
Chính ông cũng đã từng tự hào mà nói: Dẫn binh 8 năm, đánh hơn 70 trận, không thua một trận nào!
Bậc kỳ tài võ thuật ấy chỉ thua đúng một lần. Nhưng chiến bại trong lần ấy lại khiến ông lựa chọn kết thúc cuộc đời, để lại cho hậu thế muôn vàn nuối tiếc.
Trong lịch sử Trung Hoa, danh tướng nhiều như sao trên trời. Nhưng chiến tích lẫy lừng của Hạng Vũ vẫn là vì tinh tú sáng chói nhất.
Sinh thời, vị Bá Vương ấy khinh thường việc sử dụng mưu hèn kế bẩn, luôn luôn tiến thẳng mà đánh để giành lấy chiến thắng một cách oanh liệt.
Chiến thắng của ông không chỉ dừng lại ở việc đánh bại kẻ địch mà còn xuất chúng ở chỗ lấy ít thắng nhiều.
Chỉ tiếc rằng Tây Sở Bá Vương cuối cùng lại phải đối đầu với sự hợp lực của hàng loạt danh tướng như Hàn Tín, Anh Bố, Bành Việt, Trương Lương…
Nhiều người vì thương tiếc Tây Sở Bá Vương mà cho rằng kết cục bi thảm của ông vốn là "trời cao đố kỵ anh tài". Có người lại ngậm ngùi than thở, cuộc đời của Hạng Vũ có lẽ chính là sự an bài của số phận…
Trải qua ngàn đời sau, người Trung Quốc vẫn nhớ đến cuộc đời thăng trầm của Hạng Vũ. Tước hiệu Tây Sở Bá Vương của Hạng Vũ thậm chí còn trở thành tên gọi riêng cho ông. Nhân vật Tôn Sách ở Đông Ngô thời Tam Quốc là một nhân vật anh dũng dị thường giống như Hạng Vũ, nên được gọi là "Tiểu Bá Vương".
Trong Sử ký, sử gia Tư Mã Thiên không giấu sự thán phục đối với Hạng Vũ, đối thủ lớn nhất đời Lưu Bang – hoàng đế khai quốc nhà Hán.
Tư Mã Thiên còn làm riêng Hạng Vũ bản kỷ, coi ông sánh ngang với các hoàng đế Trung Quốc đầu tiên như Tần Thuỷ Hoàng, Lưu Bang chứ không phải là các chư hầu như Câu Tiễn hay Trần Thắng.
“Hạng Vũ nổi lên từ thời loạn lạc, chỉ trong 3 năm đã bình định chư hầu, tiêu diệt nước Tần, phân chia thiên hạ, phong các vương hầu, ban ra chính lệnh và tự xưng là bá vương, địa vị tuy không trọn vẹn nhưng từ tận cổ đến nay, chưa hề có người nào được như thế”, Tư Mã Thiên chép.
Video: Trận đánh cuối của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ.
Quốc Tiệp