Bí mật "kho báu cổ vật" của thầy giáo bỏ tiền tỉ xây bảo tàng lưu giữ

Bí mật "kho báu cổ vật" của thầy giáo bỏ tiền tỉ xây bảo tàng lưu giữ

Bùi Thị Ngân

Bùi Thị Ngân

Thứ 6, 01/01/2021 18:55

Lặn lội từ Bắc vào Nam, dành hàng chục năm sưu tầm, thầy giáo Nguyễn Quang Cương đã tự bỏ tiền túi mở bảo tàng lưu giữ hàng ngàn cổ vật để bảo tồn trên quê hương.

Sưu tầm cổ vật mở bảo tàng

Với ấp ủ mở một bảo tàng dân tộc ngay chính trên mảnh đất quê hương, ông Nguyễn Quang Cương, người con của xã An Lộc (nay là xã Bình An, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), hiện đang sống và làm việc tại TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, là một thầy giáo về hưu, hàng chục năm qua miệt mài bỏ công sức, tiền của để sưu tầm hàng nghìn cổ vật. Sau bao năm, giờ đây, ông Cương bước đầu đã thực hiện giấc mơ, lập bảo tàng Hoa Cương, lưu giữ hàng ngàn cổ vật để bảo tồn, phục vụ cộng đồng ở thôn Chân Thành (xã Bình An, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Đây cũng là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại tỉnh Hà Tĩnh.

Dân sinh - Bí mật 'kho báu cổ vật' của thầy giáo bỏ tiền tỉ xây bảo tàng lưu giữ

Ông Cương bên các hiện vật trưng bày tại bảo tàng.

Chia sẻ về căn duyên lập bảo tàng, ông Cương cho biết, khi còn học sinh, những tấm giấy khen được ông xem như báu vật. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lúc bấy giờ, ông đã làm thất lạc. Lớn lên, muốn tìm về những kỷ vật, kỷ niệm thì không thấy nữa, từ đó thôi thúc ông ý tưởng phải lưu giữ quá khứ. Ông luôn tâm niệm, lưu giữ quá khứ là lưu lại hồn dân tộc, hồn quê, xóm làng, tái sinh hồn quá khứ và phục sinh những giá trị truyền thống tốt đẹp. Từ tâm niệm đó cùng với ý thức của một nhà giáo thâm niên 40 năm, ông ước mong xây dựng một bảo tàng gia đình hoặc bảo tàng làng xã, tại chính nơi mình chào đời.

Trong những năm sống và giảng dạy tại trường đại học Quy Nhơn, ông Cương luôn đau đáu nỗi nhớ mong được trở về, đóng góp, xây dựng quê hương. Nghĩ là làm, năm 2004, ông đã đầu tư cả tỷ đồng xây dựng nhà khuyến học tư nhân Hoa Cương trên diện tích 500m2 và trang bị gần 2 vạn đầu sách các loại. Nơi đây trở thành không gian văn hóa, góp phần tạo nên phong trào đọc sách, học tập có hiệu quả, rộng khắp đến người dân, học sinh các cấp trong và ngoài xã. Thư viện Hoa Cương đã được bộ Văn Hóa, Thể Thao tặng bằng khen để ghi nhận sự đóng góp vào việc phát triển đời sống văn hóa cộng đồng.

Dân sinh - Bí mật 'kho báu cổ vật' của thầy giáo bỏ tiền tỉ xây bảo tàng lưu giữ (Hình 2).

Bộ sưu tập chum tại bảo tàng mà ông Cương dày công sưu tập.

Năm 2017, ông Cương bắt đầu xây dựng bảo tàng Hoa Cương tại xã Bình An. Đến tháng 7/2020, bảo tàng hoàn thành giai đoạn 1, đáp ứng các tiêu chí quy định của bảo tàng ngoài công lập và được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép hoạt động. Bảo tàng tọa lạc trên 2 khu đất liền kề, với diện tích 1.500m², nằm sát quốc lộ 281. Trong đó, trung tâm bảo tàng có diện tích gần 1.000m².

Hiện tại, bảo tàng đã trưng bày 4.000 hiện vật, cổ vật quý hiếm và 3.700 đầu sách, tài liệu, bút tích, hình ảnh các loại. Những hiện vật phản ánh khá đa diện về đời sống, văn hóa truyền thống của người Việt. Hiện vật được phân loại, sắp xếp hệ thống theo 13 chủ đề, gồm: nông - ngư cụ truyền thống, nghề thủ công truyền thống, đồ dùng sinh hoạt truyền thống, tiền cổ Việt Nam và nước ngoài, hiện vật chống Mỹ và chống Pháp, hiện vật thời bao cấp, các loại xe đạp và xe máy cổ, nhạc cụ truyền thống… Bên cạnh đó còn có sách, tài liệu, hình ảnh, chum, ché, hũ, vại sành cổ, cối đá, trục đá, kệ đá cổ và hiện vật biển đảo Việt Nam. Các hiện vật do ông Cương sưu tầm rất phong phú, đa dạng, gồm: đồ tre, đồ gốm sứ, đồ đồng, đồ gỗ, đồ sắt, đồ hợp kim…

Đi xuyên Bắc Nam hàng chục năm tìm cổ vật

Ông Cương kể rằng để có hiện vật trưng bày, ông không thể nhớ nổi mình đã đi bao nhiêu chuyến từ Bắc vào Nam. Sau đó, ông đã liên hệ với nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa trong nước để tham khảo, trợ giúp. Nhiều người lúc đầu nghi ngờ mục đích của ông nên không đồng ý trao hiện vật. Tuy nhiên, khi thấu hiểu tâm huyết của một nhà giáo và sự trân trọng với quá khứ của ông, họ sẵn lòng giúp sức với gia đình xây dựng bảo tàng.

Dân sinh - Bí mật 'kho báu cổ vật' của thầy giáo bỏ tiền tỉ xây bảo tàng lưu giữ (Hình 3).

Những hiện vật trưng bày tại đây đã được ông Cương sưu tập rất nhiều năm.

Khi hình thành, bảo tàng cũng được trưng bày, xử lý khoa học bởi các cán bộ của bảo tàng Hà Tĩnh. Tại bảo tàng, có những hiện vật chỉ vài chục năm nhưng cũng có hiện vật hàng trăm, ngàn năm. Trong đó, đáng chú ý là hiện vật mộc hóa thạch với niên đại hàng triệu năm được tìm thấy dưới chân núi Chư Sê. Ngoài ra, còn có hàng trăm hiện vật cổ xưa từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn.

Ông Cương còn dành một không gian riêng ngoài trời để trưng bày hiện vật chuyên đề biển đảo Việt Nam. Trong đó, có 2 mô hình biểu tượng Hoàng Sa và Trường Sa được dựng trên các bệ đá nguyên khối nặng hàng trăm tấn cùng nhiều hiện vật ngư nghiệp truyền thống được sưu tầm từ Thái Bình đến Quảng Bình như: 15 chiếc thuyền cổ được làm bằng tre và gỗ, lưới đánh cá, mỏ neo thuyền bằng gỗ… Mỗi hiện vật tại đây đều mang lại cho người xem những trải nghiệm lý thú và sự hiểu biết về nhiều phương diện đời sống người Việt ở từng thời kỳ lịch sử khác nhau.

Dân sinh - Bí mật 'kho báu cổ vật' của thầy giáo bỏ tiền tỉ xây bảo tàng lưu giữ (Hình 4).

Bộ sưu tập cối đá, trục đá.

Ông đặc biệt chú tâm sưu tầm các hiện vật nông nghiệp, nông thôn. Ông cho hay, nông thôn Việt gắn chặt với nền văn minh lúa nước. Vật dụng ngày xưa đều được làm thủ công thể hiện sự khéo tay, sắc sảo và cả sự công phu của các thợ lành nghề. Trước sự đổi mới của quê hương với cơ giới hóa nông nghiệp, ông muốn lưu giữ lại những kỷ vật nông thôn đã bị quên lãng. "Trong mỗi chúng ta, khi nhìn thấy những dụng cụ đó đều như thấy mình trở về với quá khứ. Bảo tàng không chỉ lưu giữ hiện vật quá khứ mà còn là một trường học truyền thống. Tôi mong, sau này nơi đây sẽ trở thành địa điểm để các trường học tổ chức ngoại khóa, trực quan lịch sử cho học sinh các cấp. Bảo tàng sẽ cùng với nhà trường làm nhiệm vụ giáo dục, góp phần làm cho bài học sinh động, hấp dẫn hơn" - ông Cương nói.

“Việc xây dựng bảo tàng Hoa Cương không chỉ lưu giữ, trưng bày hiện vật quá khứ, phục vụ cộng đồng, quê hương, xã hội mà còn giáo dục truyền thống cội nguồn đến cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ thông qua trực quan hiện vật lịch sử, văn hóa. Nơi đây sẽ trở thành điểm đến để học sinh trong và ngoài địa phương tổ chức học tập ngoại khóa, trải nghiệm thiết thực. Đồng thời cũng là địa chỉ văn hóa truyền thống phục vụ người dân và du khách khi đến tham quan du lịch Hà Tĩnh”, ông Cương chia sẻ thêm.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.