Tin tức về việc Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp (Thanh tra Chính phủ) bị một phụ nữ tự xưng là Nguyễn Thị G. ở tỉnh Bạc Liêu – một công dân trong diện khiếu nại tố cáo, nhắn tin đe dọa tính mạng của mình và cả nhà một lần nữa khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Bởi thông tin về Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh cùng một số lãnh đạo bị nhắn tin đe dọa và việc Chủ tịch xã Hố Nai 3, Trảng Bom, Đồng Nai bị đối tượng nhắn tin “xin đôi mắt, cánh tay" vừa xảy ra cách đây không lâu. Thêm nữa, tháng 5/2016, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp từng bị nhóm người khiếu kiện ở tỉnh Bạc Liêu chặn đường vào phòng làm việc, túm tóc, xô ngã ngay trước cửa trụ sở cơ quan (tại Hà Nội).
PV báo Người Đưa Tin đã phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Điệp xung quanh vụ việc này.
PV: Thưa ông, báo cáo hoạt động công tác tháng 4/2017 của ban Tiếp công dân Trung ương vừa gửi tới Thanh tra Chính phủ, tình hình khiếu kiện của công dân tăng cả về số lượt người, số vụ việc và số lượt đoàn đông người, có nhiều diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, một công dân xưng tên là Nguyễn Thị G., tỉnh Bạc Liêu nhắn tin đe dọa tính mạng của ông và người nhà. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vụ việc này?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Nếu tin nhắn tự xưng đúng của bà G. thì đây là người phụ nữ tôi đã biết từ lâu. Bà G. từng tham gia, cổ vũ đoàn ở Bạc Liêu gây rối, xô xát tôi tháng 5/2016. Tâm lý chờ đợi quá lâu, quá vất vả, khổ, khiến người dân mất bình tĩnh. Trường hợp của bà G. có nguyên nhân từ việc chính quyền làm sai.
PV: Cảm giác khi ông nhận tin nhắn là gì?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Lúc đầu tôi cũng thấy bực mình, nhưng vì bà G. là người tôi đã biết, nên sau đó thôi thấy bình thường và hết sức chia sẻ. Với các trường hợp đã tiếp xúc như bà G., chúng tôi cố gắng làm hết sức với trách nhiệm của mình, không muốn tiếp tục có thái độ tiêu cực ảnh hưởng tới công việc của cả tập thể cán bộ ban Tiếp công dân Trung ương và gia đình.
PV: Ông có suy nghĩ thế nào trước những trường hợp nhắn tin đe dọa như vậy?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Trường hợp bà G., tôi có sự không hài lòng với công dân về cách họ ứng xử, thái độ của họ thể hiện qua việc nhắn tin đe dọa. Gia đình bà G. đến chỗ tôi nhiều lần, chửi bới nhiều lần. Nhưng tôi vẫn chia sẻ với cái gốc của vấn đề, đó là do gia đình họ có những thiệt thòi và có những vướng mắc khó xử lý hậu quả.
Nhưng không phải cứ oan là thích làm gì thì làm. Tôi phản đối hành động này, thậm chí phải xử lý vì nó sẽ tiếp tay cho những người khác. Không chỉ cá nhân tôi và gia đình mà còn là vấn đề tâm lý của toàn bộ anh em công chức công tác tại ban Tiếp công dân Trung ương nói riêng và những người làm công tác này trên phạm vi toàn quốc.
Cần có biện pháp xử lý, không thể coi thường kỷ cương, pháp luật như vậy.
PV: Ở vị trí một người thường xuyên đối diện với sự bức xúc của người dân, quan điểm xử lý của ông thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Tôi thấy cần báo cáo cơ quan chức năng, đặc biệt là địa phương để ngăn chặn kịp thời. Là một cán bộ, lại là Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, tôi phải chấp nhận những điều này và giữ thái độ bình tĩnh. Nếu không, tôi đã không chọn làm công việc này. Dù thế nào, chúng tôi cũng chỉ là công bộc của dân.
Người dân cực đoan, xảy ra việc gì, bản thân họ vi phạm pháp luật. Là một cán bộ công chức, tôi thực sự không mong muốn điều này.
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về công việc của mình, điều gì khiến ông gắn bó rất lâu và điều gì là quan trọng nhất để ứng xử khi người dân chưa đồng tình với quyết định của các cấp chính quyền?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Nếu có sai, ảnh hưởng đến người dân, lỗi trực tiếp không phải của ban Tiếp công dân Trung ương. Nhưng vì người dân quá bức xúc, cơ sở không giải quyết kịp thời, chưa thỏa đáng mới xảy ra một số trường hợp như vậy.
Việc nhắn tin, đe dọa như tin nhắn bà G. với cá nhân tôi không nhiều. Tôi nghĩ cần làm đúng lương tâm và trách nhiệm. Tôi là người từng ký đề nghị cơ quan công an miễn trách nhiệm hình sự, chỉ phạt hành chính, răn đe với một số trường hợp quá khích.
Người dân có tin tưởng mới đến với mình. Họ còn tin mình, họ gửi gắm khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của họ với các cấp chính quyền, Trung ương để giải quyết sớm.
Công tác tiếp dân lâu năm, tôi thấy, trong các nguyên nhân dẫn đến sự thiệt thòi cho người dân có cả nguyên nhân về cơ chế, không hoàn toàn do cán bộ cố tình làm sai.
Nhưng qua thực tế thấy rằng, quản lý kinh tế xã hội tại địa phương và giải quyết ban đầu khiếu nại tố cáo của nhân dân tại cơ sở có vấn đề. Cần làm sao để người dân thấy được tôn trọng, tin tưởng, tuyên truyền vận động sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn. Không chỉ theo quy định của pháp luật mà còn cần lắng nghe tâm tư, tình cảm của người dân.
PV: Trường hợp bà G. đã có hướng giải quyết thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Điệp: Phó Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra rà soát lại trường hợp của bà G., nhưng thực sự rất khó khăn. Nếu chính quyền cầu thị, bà G. hợp tác thì sẽ có biện pháp.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu (thực hiện)