Bí quyết sống lâu của làng 'trường thọ'

Bí quyết sống lâu của làng 'trường thọ'

Thứ 4, 05/06/2013 19:35

Làng La Châu nổi tiếng được mệnh danh là ngôi làng "trường thọ" nhất xứ Quảng Nam - Đà Nẵng. Chỉ có 1800 nhân khẩu nhưng có tới 204 cụ có độ tuổi từ 60 đến 100 tuổi, và có 5 cụ trên 100 tuổi, hầu hết có cụ đang minh mẫn, sống khỏe và yêu đời.

Làng "trường thọ" La Châu

Cách trung tâm TP. Đà Nẵng chừng 20 km về phía tây, Làng La Châu (xã Hoà Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng)  nằm soi bóng dưới dòng sông Yên thơ mộng. Con đường nhỏ vào làng được che lợp bởi những khóm tre hai bên đường, thấp thoáng những căn nhà ngói đỏ. Dù cách thành phố  không xa nhưng làng La Châu vẫn giữ được nét đẹp đơn sơ, mộc mạc của làng quê Việt. Hằng ngày, họ vẫn miệt mài với công việc đồng áng và vun trồng nên những cánh đồng bạt ngàn lúa, những khu vườn đầy quả ngọt.   Quay về lịch sử, chúng tôi nghe được câu chuyện cụ Trà Văn Sinh (80 tuổi)- Chi hội người cao tuổi làng La Châu.

Miền trung - Bí quyết sống lâu của làng 'trường thọ'

Vợ chồng cụ Đinh Thử luôn hạnh phúc bên nhau.

Cụ Sinh kể rằng: "Làng La Châu không còn nhớ thành lập từ khi nào, và tiếc rằng không có một gia phả, hay hương ước của làng ghi rõ ngày tháng năm thành lập cũng như người khai khẩn của làng". La Châu trải qua bao thăng trầm của lịch sử, song vẫn giữ được nét hồn quê Việt Nam với cây đa, bến nước, sân đình. Ông Sinh cho biết, trước chống thực dân Pháp xâm lược, dòng sông Yên như dải lụa đào uốn lượn quanh làng, bồi đắp phù sa quanh năm nên cây cối xanh tốt, trĩu quả. Trong những ngày chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, quân địch đến đây giày xéo vùng đất trù phú này thành một "vùng trắng". Ông Sinh trầm tư kể tiếp: "Dù quân địch giày xéo đêm ngày, nhưng người dân quyết bám trụ để làm cơ sở cho cách mạng, dòng sông Yên trở thành dòng sông vận chuyển đạn dược... phục vụ cho kháng chiến".

Làng La Châu không chỉ có truyền thống cách mạng, mà ngôi làng có truyền thống trường thọ. Cụ Sinh lật cuốn vở ô ly ghi danh sách của các cụ cao tuổi trong làng. "Hiện trong làng có 1800 nhân khẩu nhưng có tới 204 cụ từ 60 tuổi đến 100 tuổi và trên 5 cụ trên 103 tuổi. Cụ đọc: "Ngoài 100 tuổi có các cụ Đinh Thử (SN 1907); cụ Nguyễn Thị Dĩ (SN 1910); cụ Phùng Thị Quảng (SN 1911), cụ Nguyễn Thị Dự (SN 1913); cụ Trương Khanh (SN 1914). Trong đó, cụ  Đinh Thử là người nhiều tuổi nhất với 105 tuổi, người được cho là sống thọ nhất Đà Nẵng". Chúng tôi tìm đến nhà cụ Đinh Thử, căn nhà ngói ba gian, hướng về sông Yên. Trong vườn cây trái sai quả cùng với những tiếng chim hót rảnh rang. Cụ Thử cho biết: “Vợ chồng tui có 12 đứa con trong đó năm 7 trai, 5 gái, con gái lớn giờ cũng ở tuổi 75".

Ngồi kế bên con gái cụ Thử, bà Đặng Thị Cam (75 tuổi) cũng  hồ hởi cho biết thêm: "Cháu chít có gần 100 đứa, đứa nào cũng  ngoan, hiền, học giỏi nên không phải bận tâm về chúng nó nhiều". Cụ Thử sinh ra  trong một gia đình bần nông. Tuổi thơ lớn lên khi quê hương bị giày xéo bởi tiếng bom đạm của giặc Pháp, Mỹ. Đến 19 tuổi cụ xin tham gia kháng chiến. Sau lần di chuyển quân lên Quế Sơn (Quảng Nam) cụ gặp cô gái trẻ đẹp miền sơn cước rồi nên vợ nên chồng. Tới giờ con cháu, chắt chít đầy nhà. Cụ nói: "Cứ cuối tuần con cháu chắt chít lại về, chật kín cả ngôi nhà. Nhiều lần chúng nó (con cháu cụ) mời về ở gia đình nó cho vui nhưng hai cụ đều thẳng thừng từ chối vì: "Ông bà người ham lao động, cuốc đất trồng trồng rau, vui thú cảnh điền viên, chứ lên thành phố chật chội lắm, ồn ào... không quen". Dù ở cái tuổi "ở cái tuổi xưa hiếm" nhưng cụ Thử hằng ngày vẫn đọc báo, làm thơ mà không cần đeo kính. Cụ bà tâm sự: “Sáng mô ông cũng đọc báo, đọc thơ tui nghe. Nhiều lúc ngẫu hứng ông còn hát hò...". Thấy hai cụ tình tứ nên con cháu cũng phải ghen tỵ.

Miền trung - Bí quyết sống lâu của làng 'trường thọ' (Hình 2).

Cụ Đinh Thử giành giải nhất trong cuộc thi “Ông cụ, bà cụ đẹp lão”.

Bí quyết trường thọ

Trái ngược hoàn toàn với  nhịp sống hiện đại ồn ào, náo nhiệt của phố thị cách đó không xa, làng La Châu vẫn giữ được nét thanh bình, yên ả, mộc mạc chốn làng quê. Các bậc cao niên trong làng đều cho rằng, chính dòng sông Yên quanh năm hiền hòa, chở nặng phù sa đã nuôi dưỡng tâm hồn đầy lạc quan, sống đậm đà tình cảm của con người nơi đây. Cụ Sinh tự hào nói: "Từ xưa đến nay làng sống vốn thanh bình, bà con đều trọng tình cảm, thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi gặp khó khăn". Chính vì vậy ở làng này, người lớn luôn làm gương cho con cháu noi theo. Ông bà mẫu mực, con cháu hiền thảo, chăm ngoan học giỏi". Ngoài cuộc sống vốn thành bình và chứa chan tình cảm, cụ Sinh cũng cho biết: "Làng La Châu vốn là vùng đất trù phú do dòng sông Yên mang lại, đất đai màu mỡ, làng làm nông là chính, họ thường xuyên lao động chân tay, nên sức khỏe dẻo dai".

Chúng tôi được cụ Sinh dẫn thăm nhà cụ Trương Khanh (SN 1914). Dù đã cao tuổi nhưng cụ còn minh mẫn, với thú chơi tao nhã, cụ đang chăm chút cho từng cây cảnh, con chim. Thấy chúng tôi đến, cụ gác việc lại rồi mời chúng tôi tham quan vườn tược mà cụ đã dày công trồng và chăm bón. Cụ Khanh kể chúng tôi nghe về nguồn gốc các loại trái cây mà cụ phải mất công đi các xứ khác mang về trồng. Cụ nói: "Trong vườn mình trồng rau quả ăn cho sạch, lại đỡ tốn tiền, đỡ tốn công mà không lo thuốc này, thuốc kia như báo đài thường đưa tin. Mình cứ mùa nào thức nấy, mà trồng, mà ăn cho khỏe bụng". Nhìn cụ Khanh cười mãn nguyện trong đôi mắt hiện lên vẻ đẹp của một lão nông đang ở tuổi xế chiều.

Trong câu chuyện về bí quyết sống lâu, cụ Đinh Thử lại tự hào và may mắn hạnh phúc vì có được "người bạn đời trăm năm" hiền thục, chịu thương chịu khó. Đã sống với nhau hơn 65 năm, trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, vợ chồng cụ luôn bên nhau vượt qua mọi khó khăn. "Những năm đói kém, gia đình nghèo khó, lại đông con, vợ chồng tôi chỉ biết dặn lòng phải chịu khó làm lụng kiếm miếng cơm bát gạo nuôi chúng nó ăn học cho đàng hoàng. Cũng nhờ phúc tổ tiên,  đa phần con cháu đều học giỏi và giờ cán bộ chủ chốt ở nhiều cơ quan Nhà nước", cụ Thử hãnh diện. Ngồi kể, cụ Thử "khoe" với chúng tôi về những bài thơ mà cụ sáng tác. Cụ mở tủ lục lọi trong ngăn đầy những cuốn sách về lịch sử, địa lý, văn chương... rồi đưa cuốn sách dày có tựa đề "Đinh Thử - lưu bút 2007".

Cụ cho biết cuốn sách này được hoàn thành trong dịp lễ "thượng thọ" khi cụ lên 100 tuổi, trong đó ghi lại những tháng năm thăng trầm của cuộc đời. Với khả năng "trời phú" và trí nhớ "siêu phàm" trong các cuộc tổ chức sinh hoạt văn nghệ trong thành phố cụ Thử thường tham gia đọc, ngâm thơ... Bởi vậy cụ rất được người dân kính trọng. Việc lớn nhỏ họ đều đến nhà xin ý kiến cụ.

Người dân làng La Châu cũng vốn luôn biết trồng cây xanh và giữ gìn làng xóm luôn được sạch sẽ như biết giữ gìn lá phổi xanh của làng. Với cấu trúc vườn nhà truyền thống ba gian đậm bản sắc làng quê Việt Nam, giống như thiên đường nghỉ ngơi của các cụ. Ngoài ra, hội người cao tuổi ở La Châu luôn đi đầu trong các hoạt động sinh hoạt văn nghệ "sống tốt đời đẹp đạo", nơi gặp gỡ, tâm sự, chia sẻ ngọt bùi.

Sống khỏe, sống đẹp để "bách niên giai lão"

Dù ở nông thôn điều kiện kinh tế khó khăn nhưng với phong trào "sống vui , sống khỏe, sống có ích", các cụ thôn La Châu đã tự đóng kinh phí, thành lập "câu lạc bộ dưỡng sinh". Cứ buổi sáng hằng ngày tại sân đình của làng, hình ảnh các cụ hăng say tập múa những bài quyền… trong những bộ đồng phục thể thao dưỡng sinh như tiếp thêm sức mạnh cho con cháu trong cuộc sống.

Dòng sông Yên êm đềm, ngày đêm vẫn chở nặng phù sa, bồi đắp cho làng tạo nên những khu vườn đầy hoa thơm quả ngọt. Cuộc sống của những người già bên những khóm tre, vườn rau, ao cá thật thanh tịnh. “Những tình cảm chứa chan của bà con lối xóm, và sự hiếu thảo của con cháu…chính là bí quyết để mỗi người được sống lâu, sống khỏe" cụ Trà Văn Sinh chia sẻ.

Hồng Sơn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.