Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM, từ ngày 19/8 đến 25/8, thành phố ghi nhận 85 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 20 ca dương tính.
Từ đầu năm đến nay thành phố đã ghi nhận có đến 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi. Ngành y tế đang quyết liệt để kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trước thềm năm học mới.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (Tp.HCM) cho biết, bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh lây lan dễ dàng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc thở.
Các triệu chứng của bệnh sởi thường bắt đầu 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với vi rút, triệu chứng ban đầu: sổ mũi, ho, mắt đỏ, chảy nước mắt, các đốm trắng nhỏ bên trong má.
Phát ban bắt đầu khoảng 7 - 18 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh, thường ở mặt và cổ, cuối cùng lan đến tay và chân.
Các biến chứng có thể bao gồm mù lòa, viêm não (nhiễm trùng gây sưng não và có thể tổn thương não), tiêu chảy nặng và mất nước liên quan, nhiễm trùng tai, các vấn đề hô hấp nghiêm trọng bao gồm viêm phổi.
Bất kỳ người nào không có miễn dịch (không được tiêm chủng hoặc đã được tiêm chủng nhưng không phát triển miễn dịch) đều có thể bị nhiễm bệnh.
Trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng và phụ nữ mang thai có nguy cơ cao nhất bị biến chứng sởi nặng.
Theo TS Thạch, vi rút vẫn hoạt động và lây lan trong không khí hoặc trên bề mặt bị nhiễm bệnh trong tối đa 2 giờ. Vì lý do này, bệnh rất dễ lây nhiễm và một người bị nhiễm sởi có thể lây nhiễm cho 9/10 người tiếp xúc gần chưa được tiêm chủng.
Bác sĩ Thạch chia sẻ thêm, không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh sởi. Việc chăm sóc nên tập trung vào việc giảm bớt các triệu chứng, giúp người bệnh thoải mái và ngăn ngừa các biến chứng.
Chia sẻ với báo Tiền Phong, bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Hà (Viện Dinh Dưỡng) khuyến cáo, khi bị sởi, cơ thể cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, giúp bệnh nhanh chóng hồi phục. Người bệnh nên ưu tiên các loại thực phẩm giàu vitamin A, kẽm và protein. Cụ thể:
Thực phẩm giàu vitamin A: Cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ, gấc, rau cải xanh, rau bina... giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ mắt và niêm mạc.
Thực phẩm giàu kẽm: Tôm, cua, hàu, sò, thịt bò, thịt gà, các loại hạt (hạnh nhân, óc chó)... giúp tăng cường miễn dịch, rút ngắn thời gian ốm.
Thực phẩm giàu protein: Thịt nạc, trứng, sữa, đậu đỗ... giúp xây dựng lại các tế bào bị tổn thương.
Trái cây mềm: Chuối, bơ, táo chín... dễ tiêu hóa, cung cấp năng lượng và vitamin.
Sữa và các sản phẩm từ sữa: Cung cấp canxi và protein, hỗ trợ quá trình phục hồi.
Bên cạnh đó, người bệnh nên uống đủ nước, ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, ưu tiên các món ăn mềm, dễ tiêu hóa. Tránh các loại thực phẩm khó tiêu, nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, đồ uống có ga và các chất kích thích.
Ngoài ra, người bệnh sởi nên hạn chế tối đa các loại thực phẩm cay nóng như ớt, tiêu, tỏi, gừng... vì chúng có thể gây kích ứng niêm mạc miệng, làm các vết loét lâu lành hơn. Ngoài ra, các loại thực phẩm chiên xào, đồ ăn nhanh, đồ hộp, đồ uống có ga cũng nên tránh vì chúng khó tiêu, chứa nhiều chất béo bão hòa, có thể gây rối loạn tiêu hóa.
Các loại thực phẩm cứng, dai, chua cũng không phù hợp với người bệnh sởi. Chúng có thể làm tổn thương niêm mạc miệng và gây khó khăn trong quá trình ăn uống. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tránh các loại hải sản, trứng, đậu phộng... nếu có tiền sử dị ứng với các thực phẩm này.
Bộ Y tế khuyến cáo, khi gia đình có người bị sởi, cần cách ly bệnh nhân tại phòng riêng sạch sẽ, thông thoáng, tránh gió lùa để tránh trở thành nguồn lây cho gia đình và những người xung quanh.
Bệnh sởi hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các phương pháp điều trị sởi chủ yếu là điều trị triệu chứng kết hợp cùng chăm sóc, theo dõi tình trạng sức khỏe người bệnh.
Khi bệnh nhân sốt cao dùng thuốc hạ sốt paracetamol, kết hợp bù nước, điện giải qua đường uống. Song song đó, người thân áp dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như lau nước ấm, chườm mát. Vệ sinh da, nhỏ mắt, mũi bằng dung dịch Chloromycetin, Argyrol. Kháng sinh chỉ dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ, thường được dùng trong trường hợp bội nhiễm, dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, và trẻ suy dinh dưỡng.
Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe trong quá trình điều trị, người thân cần báo ngay cho bác sĩ để được cấp cứu kịp thời. Các biện pháp hồi sức khác tùy theo triệu chứng người bệnh như hồi sức hô hấp khi suy hô hấp (thở oxy), hồi sức tim mạch,…
Hiện nay, chủ động tiêm ngừa sởi là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Tại Việt Nam, hiện có 3 loại vắc xin phòng sởi trong chương trình Tiêm chủng Mở rộng và dịch vụ bao gồm: Mũi sởi đơn, mũi vắc xin phối hợp sởi-rubella và sởi – quai bị - rubella. Trẻ nhỏ từ 9 tháng tuổi trở lên cần tiêm đúng lịch, đủ mũi vắc xin sởi.
Ngoài ra, người dân cần thực hiện thêm các biện pháp phòng bệnh như: Đeo khẩu trang khi ra đường đặc biệt là khi đến những nơi đông đúc, tránh tiếp xúc với người bệnh, tăng cường vệ sinh cá nhân (rửa tay thường xuyên, vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt hằng ngày), giữ ấm cơ thể kết hợp cùng bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường đề kháng.
Minh Hoa (t/h)