Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh do virus Dengue gây ra và lây truyền do muỗi vằn (Aedeses aegypti) truyền virus từ người bệnh sang người lành.
Thông tin với Sức khỏe và Đời sống, BSCK II Nguyễn Thùy Dương, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho hay, bệnh sốt xuất huyết thường diễn biến qua 3 giai đoạn:
-Giai đoạn sốt: Thường trong 3-4 ngày đầu, bệnh nhân xuất hiện sốt cao đột ngột 39-40 độ C, mệt mỏi, đau đầu, đau nhức hốc mắt, đau các khớp, đau mỏi người, có thể có viêm long đường hô hấp trên.
Người bệnh thường chán ăn, có cảm giác buồn nôn và nôn. Da xung huyết, có thể có biểu hiện những chấm xuất huyết dưới da.
Thời điểm này, những triệu chứng của bệnh thường không đặc hiệu, khó phân biệt với nhiễm các loại virus khác như cúm, sốt do Covid-19…
-Giai đoạn nguy hiểm (hay gọi là giai đoạn xuất huyết): Thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Biểu hiện sốt có thể giảm hoặc vẫn còn sốt, xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết từ nhẹ đến nặng, có những biểu hiện xuất huyết rất đa dạng (do giảm tiểu cầu trong máu), là giai đoạn nhiều biến chứng xảy ra.
-Giai đoạn hồi phục: Bệnh nhân hết sốt trên 48 giờ, đỡ mệt, tình trạng tốt lên, thèm ăn và tiểu tiện nhiều hơn. Xét nghiệm tiểu cầu bắt đầu tăng.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người bệnh nên đến cơ sở y tế khám chẩn đoán chính xác và được hướng dẫn điều trị phù hợp. Không tự ý mua thuốc giảm đau, hạ sốt về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Trong khi chăm sóc cần theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh, đặc biệt là thân nhiệt. Khi bệnh nhân bị sốt cần mặc quần áo thoáng, không đắp chăn kín, lau nước ấm giúp hạ sốt. Nếu sốt trên 38,5 độ C, dùng thuốc paracetamol để hạ sốt theo đúng liều lượng cân nặng. Uống nhiều nước, bù nước bằng dung dịch osezol pha theo chỉ dẫn.
Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng để nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ bị bệnh nặng, giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn.
Những thực phẩm người bệnh sốt xuất huyết nên ăn
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường sốt cao kèm đau đầu, đau khớp,… nên rất mệt mỏi, chán ăn. Tình trạng sốt cao sẽ làm tăng nguy cơ mất nước nên cần bù nước đầy đủ.
Theo đó, người bệnh nên uống các loại nước lọc, nước canh, nước dừa tươi, nước ép trái cây (như cam, bưởi, chanh) để bổ sung chất điện giải, vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp vững bền thành mạch - rất tốt cho người bệnh sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, trong chế độ ăn của người bệnh cần tăng cường thực phẩm giàu protein như trứng, thịt, cá, sữa… Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, kẽm (thịt bò, gà) để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Khi bị sốt xuất huyết người bệnh thường ăn không thấy ngon. Vì vậy, các món ăn nên nấu dưới dạng lỏng, mềm để dễ ăn và dễ hấp thụ hơn. Đồng thời, nên ăn ít một, chia làm nhiều bữa trong ngày, các bữa phụ có thể uống thêm sữa để bổ sung dinh dưỡng.
Đối với trẻ còn bú mẹ, cần tiếp tục cho trẻ bú như bình thường. Trẻ trong độ tuổi ăn dặm, phụ huynh nên nấu đa dạng món ăn, ưu tiên thực phẩm giàu vitamin D, A, kẽm, sắt… Ngoài bữa ăn chính nên cho trẻ uống thêm sữa, nước cam hoặc sinh tố để bổ sung vitamin và khoáng chất.
Người bệnh sốt xuất huyết kiêng ăn gì?
Theo các chuyên gia, người bị sốt xuất huyết không cần kiêng tuyệt đối thực phẩm nào nhưng cũng cần lưu ý hạn chế ăn những loại thức ăn có nhiều dầu mỡ gây khó tiêu, đầy bụng.
Sức đề kháng của người bệnh sốt xuất huyết bị giảm và năng lượng bị hao hụt nên khi người bệnh ăn đồ cay, nóng như ớt, gừng, mù tạt... thì sẽ làm nhiệt độ trong cơ thể tăng lên. Điều này không những khiến tình trạng bệnh năng hơn mà còn ảnh hưởng đến khả năng hồi phục.
Người bệnh sốt xuất huyết không nên uống các loại đồ uống ngọt như soda, không dùng mật ong và các loại đường tự nhiên khác để tránh bênh nhân lâu hồi phục do tiêu thụ đường sẽ khiến cho các tế bào máu trắng diệt khuẩn chậm chậm hơn. Bệnh nhân cũng nên không nên uống rượu, cà phê và ngừng hút thuốc khi đang bị bệnh.
Ngoài ra, trong suốt giai đoạn bị bệnh, người bệnh nên kiêng ăn các loại thực phẩm có màu đỏ, nâu, đen như tiết (lợn, bò, gà…), củ dền… Những thực phẩm này dễ gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa khi bệnh nhân bị nôn mửa.
Minh Hoa (t/h)