Ban Tổ chức Trung ương vừa có báo cáo tổng hợp kết quả đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở (đảng bộ cấp huyện và tương đương) nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo đó, đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ tháng 5/2020 đến hết tháng 8/2020. Đến nay đã có 1.298/1.311 đảng bộ đã hoàn thành đại hội (chiếm 99%). Qua số liệu tổng hợp cho thấy, tổng số Bí thư cấp uỷ bầu được là 1.141 đồng chí. Trong đó có 456 Bí thư không phải người địa phương (chiếm 40%).
Đánh giá về con số 40% Bí thư cấp uỷ cấp trên cơ sở không là người địa phương, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, đây là con số đáng ghi nhận. Tuy nhiên, con số này còn khiêm tốn.
Cũng theo đánh giá của ĐBQH Phạm Văn Hòa: “Việc bố trí Bí thư cấp uỷ không là người địa phương, tôi cho rằng đây là chủ trương đúng đắn và hết sức cần thiết. Bí thư cấp uỷ là người lãnh đạo về mặt đường lối, chủ trương, đề ra những quyết sách quan trọng cho chính quyền tổ chức thực hiện, trong đó có công tác cán bộ. Vì vậy, công tác cán bộ phải đảm bảo được sự khách quan, trung thực, công tâm. Việc chọn lựa cán bộ phải có trách nhiệm, lựa chọn người có tâm, có tầm, có tâm, thể hiện trách nhiệm cao. Nếu cán bộ đó không phải người địa phương thì việc lựa chọn cán bộ cấp dưới chắc chắn khách quan hơn, không bị lệ thuộc vào các mối quan hệ nọ kia. Tránh được những điều tiếng, hạn chế như dư luận vẫn nói là “cả họ làm quan”…
ĐBQH Phạm Văn Hoà nói thêm: “Trước khi đến địa phương, người cán bộ được luân chuyển đó phải tìm hiểu cặn kẽ về địa phương, sử dụng năng lực, trình độ, uy tín, thậm chí phải bằng kinh nghiệm, bản lĩnh để lãnh đạo toàn diện về mọi mặt, mà cốt lõi nhất là công tác cán bộ. Nếu biết dựa vào cấp uỷ để lựa chọn cán bộ thì tôi tin là sẽ có sự lựa chọn được thấu đáo”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, một cán bộ nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhìn nhận: Việc bố trí Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương đã được Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quan tâm chỉ đạo, song trong nhiệm kỳ vừa qua của Đảng đã được quan tâm đẩy mạnh. Điều này giúp cán bộ được tăng cường về địa phương có điều kiện cọ xát với thực tế, nắm được tâm tư nguyện vọng của dân, của hệ thống chính trị ở địa phương để phản ánh với trung ương và khi về trung ương sẽ tham mưu chính sách sát với nguyện vọng của người dân.
"Luân chuyển tạo môi trường để cán bộ rèn luyện, cống hiến, trưởng thành, đồng thời giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín. Việc luân chuyển cán bộ có những ưu điểm nhìn thấy rõ, đó là nếu chúng ta lựa chọn được những cán bộ ưu tú, trong sạch đưa về làm lãnh đạo chủ chốt của các ngành, địa phương thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Người lãnh đạo đó sẽ không bị vướng mắng, không lệ thuộc bởi “các mối quan hệ chằng chịt ở địa phương”, dù họ có “ngoảnh lên, ngoảnh xuống không trở ngại”, vì vậy sẽ giải quyết công việc một cách công tâm, minh bạch, vì dân. Đó là điều tuyệt vời, tránh được tình trạng “gài người nhà, người thân” vào vị trí nào đó", vị này nhận định.
Trao đổi với báo chí, nhà sử học Dương Trung Quốc (ĐBQH Đoàn Đồng Nai) cho hay, việc bố trí cán bộ không phải là người địa phương đã được thực hiện từ thời xa xưa. Ở các triều đại phong kiến cũng đã có áp dụng Luật hồi tỵ. Có nghĩa là người làm quan, ai quê ở phủ, huyện nào thì cũng không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy. Quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ… Những quy định này nhằm tránh được tình trạng cục bộ, bè phái, địa phương chủ nghĩa…
Theo ôngDương Trung Quốc, thực tế cho thấy, có việc có người lợi dụng vị thế quan chức của mình để khai thác lợi ích, lợi ích nhóm, lợi ích dòng tộc… Cũng từ đó xuất hiện nhiều vấn đề mà dư luận bức xúc như cả họ làm quan, trọng người nhà chứ không trọng người tài… Và việc thực hiện luân chuyển cán bộ, bố trí cán bộ không là người địa phương… cũng áp dụng nguyên tắc “hồi tỵ” này. Việc này nhằm ngăn chặn những tiêu cực, ngăn chặn tình trạng bè phái, phe cánh, lợi ích nhóm…
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho biết, liên quan tới công tác cán bộ là vấn đề rất nhiều điểm phức tạp. Do đó, công tác này cũng cần phải nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng. Việc bố trí cán bộ cũng phải có sự tương đồng, có tính đến những yếu tố đặc thù, chính sách công tác… để tạo hiệu quả nhất.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa IX về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, công tác điều động, luân chuyển cán bộ gắn với bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương đang được nhiều nơi thực hiện có hiệu quả. Đánh giá về việc luân chuyển này, dư luận cho rằng, điều này sẽ phát huy được tính sáng tạo, trách nhiệm của cán bộ được luân chuyển.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề cốt lõi trong công tác cán bộ vẫn là phải kiểm tra, giám sát để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và có hình thức xử lý nghiêm đối với cán bộ sai phạm. Ví dụ, lãnh đạo không phải người địa phương có thể hạn chế được tiêu cực xảy ra nhưng có ai dám chắc là không xảy ra những tiêu cực tương tự. Theo đó, để cán bộ yên tâm công tác trong môi trường mới, việc hệ trọng cần quan tâm là có chính sách, kế hoạch phù hợp để cán bộ tiếp tục luân chuyển, phát triển các cương vị công tác cao hơn. Nhưng đồng thời, cần đánh giá toàn diện cán bộ trong thời gian luân chuyển để khắc phục triệt để tình trạng một bộ phận cán bộ coi luân chuyển là việc đi cho xong “nghĩa vụ” nên chưa thực sự tâm huyết, lăn xả vào công việc của địa phương.
Hương Lan