Những nhà báo ra trận
Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất, dài ngày và ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; đồng thời cũng là chiến dịch có sự tham gia của đội ngũ những người làm báo đông đảo nhất và hoạt động báo chí cũng sôi động nhất.
Ngay từ trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, trong Chỉ thị về công tác tuyên truyền (trong đó có báo chí), Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã chỉ rõ: Nhiệm vụ của công tác truyên truyền là phải làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của chiến dịch; làm cho những nhận định và chủ trương của Trung ương, Tổng Quân ủy biến thành nhận thức và quyết tâm của quần chúng để có thể đảm bảo mọi nhiệm vụ được thành công...
Quán triệt tinh thần đó, nhiều phóng viên báo chí dày dạn kinh nghiệm và có trình độ chuyên môn, giỏi nghiệp vụ đã được những cơ quan báo chí lớn như: Báo Nhân dân, Báo Cứu quốc, Báo Quân đội nhân dân; Thông tấn xã Việt Nam, Điện ảnh Quân đội nhân dân... lựa chọn và cử lên Mặt trận Điện Biên Phủ.
Đây không chỉ là những phóng viên chiến trường giỏi, mà còn là những người làm báo đa năng. Họ cùng với những phóng viên của các tờ tin cấp đại đoàn, trung đoàn... và cả những văn nghệ sĩ, cán bộ tuyên huấn của các cơ quan, đơn vị hình thành nên một "binh chủng báo chí" hùng hậu tác nghiệp ngay tại mặt trận suốt từ giai đoạn chuẩn bị cho đến ngày trao trả những tù binh cuối cùng cho phía Pháp.
Bất kể người của báo nào, tất cả đều "nhập cuộc" với một tinh thần đoàn kết, gắn bó tương trợ lẫn nhau, hướng đến cái đích của "người tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể"; hòa mình cùng nhau trao đổi kinh nghiệm làm báo ở chiến trường; chia sẻ thông tin trong ngôi nhà chung "báo chí ở Mặt trận Điện Biên Phủ".
Đội ngũ phóng viên báo chí ở Mặt trận Điện Biên Phủ tuy đến từ nhiều cơ quan, nhiều ngành khác nhau nhưng đều chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Sự chỉ đạo đó có khi hằng ngày, hằng giờ. Đây chính là sự khác biệt so với sự chỉ đạo báo chí ở các chiến dịch trước đó.
Lịch sử đã ghi nhận sự đóng góp của nhiều phóng viên, nhà báo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Có thể kể đến những phóng viên dày dạn kinh nghiệm của Báo Quân đội Nhân dân là Hoàng Xuân Tuỳ, Trần Cư, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp và Hoạ sỹ Nguyễn Bích; hay phóng viên Nguyễn Nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam; các phóng viên Thái Duy, Chính Yên của Báo Cứu Quốc; các nhà báo Trần Đĩnh, Thép Mới của Báo Nhân Dân;…
Bên cạnh đó là lực lượng đông đảo các văn nghệ sỹ thường xuyên tham gia viết báo như các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Trần Dần, Hoạ sỹ Mai Văn Hiến; các nhạc sỹ Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác; các nhà nhiếp ảnh Triệu Đại, Ngọc Thông; nhà quay phim Tiến Lợi…
Đặc biệt, để những tờ báo thực sự mang hơi thở của chiến trường, cùng với đội ngũ phóng viên, nhà báo nói trên, không thể không nhắc đến những cán bộ tuyên huấn của các đại đoàn trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ. Tiêu biểu là các đồng chí như: Hồ Phương (Đại đoàn 308), Ngọc Tự, Tạ Hữu Thiệu, Ngọc Bằng (Đại đoàn 316), Phác Văn, Lê Nguyễn (Đại đoàn 312)…; hay những cán bộ chính trị như Mạc Ninh, Đoàn Hợp…
Ngoài ra còn có những phóng viên nòng cốt ở các tờ tin của các đại đoàn, trung đoàn. Chính các "nhà báo chiến trường" này đã giúp tăng tính cập nhật kịp thời cho các ấn phẩm báo chí trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
"Tòa soạn đặc biệt" giữa chiến trường Điện Biên Phủ
Trên thế giới đến nay có lẽ chỉ có ở Điện Biên Phủ, Việt Nam mới có một tờ báo được viết, in và phát hành ngay tại mặt trận, đó là tờ Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận.
Việc quyết định cho ra đời Báo Quân đội nhân dân ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ là một quyết định độc đáo, sáng tạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh và Tổng cục Chính trị lúc bấy giờ, nhằm phục vụ đắc lực nhất cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ý nghĩa quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ đã dẫn đến việc ra đời "Tòa soạn tiền phương" của tờ báo.
Báo chí cách mạng lúc bấy giờ còn rất thô sơ, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, không có giấy, không có mực in, tất cả phương tiện in ấn phát hành đều rất thô sơ, thế nhưng Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã sớm nghĩ đến vai trò của tờ báo tại mặt trận Điện Biên Phủ. Nếu lúc bấy giờ chỉ xuất bản tờ báo ở hậu phương (đóng ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên) rồi chuyển lên mặt trận thì chắc là không kịp, cho nên cấp trên quyết định tổ chức một "tòa soạn tiền phương" để vừa thu thập tin tức, biên tập, tổ chức in ấn rồi phát hành ngay tại mặt trận để đưa tờ báo đến với bộ đội nhanh nhất.
Một nhà in tiền phương với máy móc được giấu dưới hầm cũng gấp rút bảo đảm việc in ấn. Lán của tòa soạn và nhà in đặt tại khu vực Sở Chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, chỉ cách hầm của Tổng Tư lệnh và Chủ nhiệm Chính trị mặt trận một cánh đồng. Điều đó giúp Báo Quân đội nhân dân kịp thời nắm chắc diễn biến tình hình, định hướng tốt trong tuyên truyền.
Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ 1953-1954 gồm 5 người là các ông Hoàng Xuân Tùy, phụ trách chung tờ báo; Trần Cư, phụ trách thư ký tòa soạn; Phạm Phú Bằng, phóng viên; Nguyễn Khắc Tiếp, phóng viên và Nguyễn Bích, họa sĩ trình bày báo. 5 cán bộ, phóng viên, họa sĩ này đã tham gia xuất bản từ số báo đầu tiên đến số báo cuối cùng tại mặt trận Điện Biên Phủ.
Ngày 28/12/1953, số đầu tiên của Báo Quân đội nhân dân tiền phương xuất bản. Tin tức, bài viết, gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ, kinh nghiệm đào hầm, tổ chức hậu cần, các phóng sự điều tra về tình hình sức khỏe bộ đội, vấn đề hậu phương người lính trong cải cách ruộng đất, vấn đề giải quyết tư tưởng sau mỗi trận đánh, những bức thư động viên bộ đội của Bác Hồ, chỉ thị của cấp trên, cùng thơ ca, hò vè, thơ đả kích địch... đã làm cho tờ báo dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội và nó đã góp phần đắc lực vào công tác chính trị chiến dịch. Số 148 ra ngày 16/5/1954, số báo Quân đội nhân dân cuối tại mặt trận là số báo đặc biệt chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tờ báo hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử. Tính đến ngày đó, Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận Điện Biên ra được tổng cộng 33 số.
Có thể nói với tinh thần xung kích, báo chí cách mạng đã thể hiện rõ vai trò trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Báo chí mang hơi thở của chiến trường, phản ánh sinh động cuộc sống, chiến đấu của bộ đội. Vừa tuyên truyền, cổ động vừa động viên, khích lệ, báo chí cách mạng đã trực tiếp giáo dục lòng yêu nước, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng trình độ mọi mặt cho bộ đội. Do đó, báo chí cách mạng tại mặt trận Điện Biên Phủ đã đóng vai trò nòng cốt, là "binh chủng đặc biệt", thường xuyên cổ vũ, tuyên truyền bộ đội trên chiến trường, góp phần vào chiến thắng quan trọng của Chiến dịch Điện Biên Phủ.