Ngày 24/3, thông tin từ Công an Tp. Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết, cơ quan này đang tạm giam ông N.T.S.E. (43 tuổi, quê Hà Nội) để điều tra về hành vi “Chiếm giữ trái phép tài sản”.
Theo hồ sơ, tháng 12/2021, ông K. không cẩn thận nên đã chuyển nhầm đến tài khoản của ông E. (tạm trú tại Tp.Dĩ An) với số tiền 300 triệu.
Sau khi chuyển tiền xong thì ông K. phát hiện mình đã chuyển nhầm nên đã thực hiện các thao tác chuyển thêm một số tiền nhỏ và ghi chú nội dung chuyển khoản nhầm để nhờ người nhận được trả lại.
Cùng lúc đó, ông K. liên hệ ngân hàng và tìm ra được số tài khoản đã nhận nhầm tiền của mình là ông E. và liên hệ với ông này để làm việc. Thế nhưng, ông E. không hợp tác và không trả lại tiền cho ông K..
Sự việc sau đó được ông K. đã trình báo Công an Tp.Dĩ An. Tiếp nhận tin báo, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp.Dĩ An đã mời ông E. lên làm việc, giải thích, vận động chuyển trả lại tiền nhưng người này không hợp tác.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an Tp.Dĩ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam ông E. để tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi điểm d khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:
Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.