Xuất hiện nhiều ổ dịch
Ngày 27/6, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh này ghi nhận nhiều ca nhiễm bệnh Sốt xuất huyết và ay chân miệng. Số liệu từ Sở Y tế tỉnh này cho thấy, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong giai đoạn mùa mưa từ tháng 4 đến nay.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận 4.867 ca mắc sốt xuất huyết (theo báo cáo ca chẩn đoán vào viện), tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2021 và đã ghi nhận 8 trường hợp tử vong (Tp. Dĩ An: 5 ca; thị xã Tân Uyên: 2 ca và Tp. Thuận An 1 ca).
Tình hình bệnh Tay chân miệng (TCM) cũng đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng mạnh trong tháng 5/2022 (cụ thể: 703 ca, cao gấp 2,6 lần so với tháng 4/2022). Lũy kế từ đầu năm 2022 đến nay ghi nhận 1.668 ca mắc (tăng14,1% so với cùng kỳ năm 2021), và 1 trường hợp tử vong do TCM.
Các dịch bệnh truyền nhiễm khác ổn định (Sởi, Thủy đậu, Quai bị…), trong tháng ghi nhận số ca mắc thấp, không ghi nhận ca tử vong. Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm 2021.
Theo thông tin từ bác sĩ Huỳnh Minh Chín - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại Bình Dương hiện nay khá phức tạp.
Trong đó, tình hình dịch bệnh tại TP Dĩ An là đáng báo động nhất với số ca mắc ghi nhận trên địa bàn tăng 131% so với cùng kỳ năm 2021 và đã có 5 ca tử vong. Tiếp đến là TP Thuận An, thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát.
"Đây là những địa bàn tập trung đông công nhân lao động, có nhiều nhà trọ, hệ thống nước thải chằng chịt. Ngoài ra, ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao cũng là nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết tăng nhanh" - ông Chín cho hay.
Cũng theo Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao nhưng thuốc và dịch truyền chống sốc cũng như dịch truyền cao phân tử cơ bản phục vụ đủ để đáp ứng chữa bệnh. Hiện ngành y tế tỉnh Bình Dương phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh chủ động đưa ra nhiều phương án, kịch bản.
Tập trung xử lý dập dịch
Theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, khó khăn lớn nhất của ngành y tế tỉnh Bình Dương là thiếu lực lượng y tế cơ sở khi triển khai các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết. Sau cao điểm dịch bệnh Covid-19, hàng loạt nhân viên y tế cơ sở nghỉ việc đã gây không ít khó khăn cho hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết tại cộng đồng.
Tại tỉnh Bình Dương, hiện có 3 cơ sở chuyên điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, gồm: Cơ sở Phú Chánh (trước đây điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19); Khoa Nhi và Khoa hồi sức cấp cứu và dự phòng ở 1 số khoa của Bệnh viện đa khoa tỉnh. "Tuy số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tăng nhưng vẫn chưa bị quá tải" - ông Chín cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, ngành y tế đang phối hợp các địa phương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường, giám sát ca bệnh, phân lập vi rút để dự báo xu hướng dịch, xử lý ổ dịch, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.
Trong tháng 6/2022, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC - Bình Dương) đã phối hợp cùng cơ sở y tế địa phương tổ chức phun khử khuẩn, phun hoá chất ở các địa bàn nóng xuất hiện nhiều ổ dịch sốt xuất huyết. Đặc biệt là địa phương nóng xuất hiện nhiều ca bệnh như Tp.Dĩ An.
Bác sĩ Đinh Bảo Khánh - Khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm CDC Bình Dương cho hay: “Do đặc thù của muỗi truyền nhiễm và loăng quăng hay ở nhiều trong các bụi rậm, cây cối ven đường và một số thùng rác trước khu dân cư... Để đảm bảo tốt nhất việc diệt muỗi cũng như an toàn của người dân, chúng tôi phải chuẩn bị thuốc vào tầm 3h sáng, sau đó tiến hành phun khử khuẩn 1 cách nhanh chóng và hiệu quả trước khi trời sáng hẳn. Ngoài ra, để công tác phòng chống sốt xuất huyết đạt hiệu quả, ngành y tế đánh giá quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân trong việc chủ động vệ sinh nơi ở, diệt trừ lăng quăng”.
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Dương, để phòng, chống dịch sốt xuất huyết mang tính lâu dài, ngành y tế Bình Dương đã triển khai thực hiện phương pháp “Thả muỗi mang Wolbachia”. Tính đến nay, Bình Dương đã thực hiện thả muỗi mang Wolbachia ở gần 3.000 điểm.
Vi khuẩn Wolbachia được đưa vào cơ thể muỗi vằn giúp muỗi tăng sức đề kháng với virus gây bệnh giống như “tiêm vắc xin” cho muỗi.
Vi khuẩn Wolbachia được cấy vào muỗi vằn sẽ làm cho muỗi có khả năng ức chế sự nhân lên của một số loại virus trong đó có virus Dengue và Zika, giảm sự lây truyền bệnh SXH.
Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng thông tin, các ca mắc sốt xuất huyết tử vong những ngày qua, cho thấy bệnh nhân đều được đưa đến cơ sở y tế khi bệnh đã quá nặng.
Để tránh nguy cơ tử vong, ngành y tế khuyến cáo cần sớm phát hiện các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết, như gây sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu hiệu xuất huyết như: Chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo… Bệnh trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6, với biểu hiện trụy tim mạch như tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt và thường ít kèm các triệu chứng hô hấp (ho, sổ mũi) và tiêu chảy.