Phấn khởi vụ sản xuất Tết
Càng cận Tết, thị trường bánh tráng sôi động hẳn lên khi lượng bánh đặt hàng cũng tăng, các hộ làm bánh tráng truyền thống thêm phấn khởi. Từ tờ mờ sáng, những người phụ nữ đã dậy sớm nhóm lửa, tráng bánh kịp nắng lên đem bánh đi phơi.
Khắp các tuyến đường không khó bắt gặp những vỉ tre phơi cạnh bờ rào, cánh đàn ông người khiêng vỉ bánh đi phơi, những người phụ nữ đầu đội nón lá khéo léo gỡ bánh ra khỏi vỉ.
Tất cả đều tất bật làm việc không ngơi tay. Để có những mẻ bánh vừa ý, các công đoạn như chọn gạo, ngâm bột, xay bột, nhóm lửa, tráng bánh, xếp bánh, phơi bánh... đều đòi hỏi sự chú tâm và kinh nghiệm của người thợ.
Trong từng gian bếp trấu, lửa hừng hực đỏ, hơi nóng trong lò bốc lên nhưng những người phụ nữ vẫn thoăn thoắt đổ bột rồi khéo léo trải bột thành những chiếc bánh đều như khuôn đúc.
Chỉ trong chốc lát, chiếc bánh đã ra lò trong làn khói thơm ngát mùi bột nếp. Bánh sau khi tráng xong có người đứng cạnh xếp đều trên vỉ và đem phơi nắng.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề bánh tráng, chị Trần Thị Thu Tâm (SN 1979, ở khu phố Phú An, thị trấn Phú Long) miệt mài bên lò trấu đổ bánh chia sẻ: “Dịp Tết hầu như nhà nào cũng ăn bánh, nên phải tranh thủ làm sớm để bán cho khách. Bánh tráng tay thợ giỏi mỗi ngày tráng chỉ khoảng 1.300 cái. Tôi phải dậy từ 3h30 sáng mới tráng kịp 60kg gạo, tăng 10kg so với ngày thường”.
Bánh tráng truyền thống luôn được nhiều gia đình rất chuộng bởi khi ăn cảm nhận độ giòn, dẻo của bánh, mùi thơm lừng của mè rang nên bánh tráng là món ăn sử dụng hàng ngày, nhất là dịp Tết thì càng không thể thiếu.
Lò bánh tráng máy tăng công suất
Những ngày này, cơ sở bánh tráng của anh Hà Văn Tuấn Triết ở khu phố Phú An máy chạy cả ngày đêm.
Chủ cơ sở cho hay: “Ngày thường tôi chỉ thuê khoảng 10 người làm, Tết đến phải thuê thêm 4 nhân công sản xuất 30.000 cái mỗi ngày mới kịp bán trong dịp tết năm nay. Ngoài mở cửa hàng chuyên bánh tráng ở chợ Phan Thiết tôi còn bỏ mối cho các quán ăn, tiệm tạp hóa ở các huyện trong tỉnh và ngoài tỉnh”.
Thời gian qua, việc tiêu thụ bánh tráng ít nhiều bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, theo anh Triết, năm nay sức tiêu thụ bánh tráng chậm hơn so với mọi năm. Nguyên nhân do giá cả nông sản nhất là thanh long bấp bênh, việc làm thu nhập khó khăn nên người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu.
Nhưng tín hiệu lạc quan, Tết này đơn đặt hàng bánh tráng Tết tăng hơn so với năm ngoái, dù giá nguyên liệu đầu vào gạo, mè… đều tăng nên giá bánh cũng nhích lên chút đỉnh.
Sức mua bánh tráng Tết năm nay sớm và tăng khá hơn so với năm ngoái cả thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, nên người làm bánh rất phấn khởi. Kỳ vọng mùa Tết năm nay, mọi người làm ăn thuận lợi hơn…
Nghề làm bánh tráng ở thị trấn Phú Long không chỉ lưu giữ nghề truyền thống, mỗi người làm nghề đều chăm chút chiếc bánh để giữ gìn thương hiệu, vươn xa. Mùa bánh tráng Tết vừa đem lại thu nhập khá giúp bà con sắm sửa đón Tết đủ đầy hơn, vừa góp phần giúp giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ.
Tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại
Từ thực tế trên cho thấy, các làng nghề chưa quan tâm đầu tư phát triển dẫn đến tình trạng máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, sản phẩm sản xuất ra kém hấp dẫn, mẫu mã lỗi thời, giá thành cao do làm thủ công, sức cạnh tranh kém vì không tìm được thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống, không tham gia làm nghề vì thu nhập thấp dẫn đến một số làng nghề hoạt động cầm chừng hoặc phải giải thể.
Mô hình sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, đan xen trong các khu dân cư nên việc di dời các cơ sở làng nghề ra khu tập trung còn gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Đỗ Thanh Cang, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết: Nhằm tạo điều kiện để làng nghề bánh tráng Phú Long phát triển và bền vững trong thời gian đến, UBND thị trấn đề nghị các ngành chức năng huyện và tỉnh xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ làng nghề bánh tráng Phú Long. Để từ đó, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, phân phối – tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại… mở rộng thị trường tiêu thụ.
"Để giúp làng nghề bánh tráng Phú Long không bị mai một, cần tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm bánh tráng nhằm bảo hộ nhãn hiệu bánh tráng Phú Long. Từ đó, duy trì và phát triển nghề truyền thống, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong thời gian đến.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của làng nghề bánh tráng. Đồng thời, xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm bánh tráng Phú Long để cán bộ, đảng viên, người dân và các hộ sản xuất bánh tráng được biết và tích cực phối hợp thực hiện có hiệu quả", ông Đỗ Thanh Cang, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Long chia sẻ thêm.