Câu chuyện này được chính ông Mai Kiều, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, kể lại tại lễ ký kết phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản giữa tỉnh này và ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM giai đoạn 2017-2019 vào sáng 12/11.
Báo Người lao động trích lời ông Kiều: "Thiệt là chuyện xấu hổ này giấu chứ không dám nói với ai. Một người quản lý đầu ngành về an toàn thực phẩm cho cả tỉnh mà bị ngộ độc thực phẩm ngay chính địa phương mình thì bữa ăn của người dân sao không lo được. Thật là xúc động khi TP.HCM về hợp tác với tỉnh để góp phần nâng chất lượng an toàn thực phẩm, đưa thực phẩm sạch đến người dân”.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết hiện 80% nguyên liệu thực phẩm mỗi ngày cho người dân TP HCM phải nhập từ các tỉnh, thành khác hoặc nhập khẩu, riêng tỉnh Bình Thuận cung cấp từ 5 - 10% thủy sản cho TP.HCM.
Do đó, việc phối hợp quản lý với tỉnh Bình Thuận cũng như các địa phương khác sẽ góp phần thực hiện tốt đề án chuỗi thực phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người dân. “Cá, mực… của Bình Thuận đưa vào TP.HCM được giám sát kỹ tại đơn vị cung cấp và nhà phân phối. Sản phẩm cũng được kiểm định chỉ tiêu u rê trước khi đưa ra thị trường” – bà Lan khẳng định.
Sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn từng là chủ đề nóng, nhận được nhiều ý kiến bức xúc lẫn đóng góp giải pháp từ các ĐBQH. Tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV hôm 5/6, Phó Chủ nhiệm ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai dẫn con số báo cáo của Chính phủ, trong 5 năm qua có hơn 1.700 vụ ngộ độc thực phẩm với 164 người chết. Ông cho rằng "đây chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi thực tế mỗi năm có hàng chục triệu ca tiêu chảy liên quan đến thực phẩm và người dân tự xử lý".
Ngân Hà (tổng hợp)