Bình Thuận nâng cấp hạ tầng đón “sóng” đầu tư

Bình Thuận nâng cấp hạ tầng đón “sóng” đầu tư

Nguyễn Đắc Phú

Nguyễn Đắc Phú

Thứ 2, 27/01/2025 11:08

Bình Thuận nằm ở cực Nam của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế quốc gia. Với diện tích tự nhiên lên đến 7.943,93 km² và vùng biển rộng 52.000 km², Bình Thuận đang trở thành một trung tâm kinh tế với những khu công nghiệp sôi động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.

Đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận, trong năm 2024, tỉnh đã thu hút 5 dự án đầu tư mới, trong đó có 3 dự án với nguồn vốn trong nước và 2 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký lên tới 1.145 tỷ đồng và 100 triệu USD. Diện tích đất cho thuê trong năm này đạt 32,18ha.

Đặc biệt, trong năm 2024, các khu công nghiệp tỉnh đã đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng với giá trị ước tính 895 tỷ đồng, gấp đôi so với năm trước. 

Một số doanh nghiệp cũng đã triển khai xây dựng các công trình như tường rào, nhà xưởng và đưa vào hoạt động nhà máy.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Ngọc Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết, Sở đang phối hợp với các cơ quan ban ngành để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư, đồng thời cải thiện công tác quản lý đầu tư. 

Các biện pháp đang được thực hiện để thúc đẩy môi trường đầu tư, bao gồm việc cập nhật thông tin về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư.

Bình Thuận nâng cấp hạ tầng đón “sóng” đầu tư- Ảnh 2.

Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Tỉnh Bình Thuận cũng chú trọng việc xây dựng các gói hỗ trợ đầu tư linh hoạt để thu hút các dự án có tác động lan tỏa lớn, đồng thời xây dựng thương hiệu và hình ảnh của tỉnh trong công tác xúc tiến đầu tư.

Trong năm 2024, Công ty TNHH Sheh Fung Crews Việt Nam, chuyên sản xuất ốc vít, đã quyết định đầu tư vào tỉnh Bình Thuận với số vốn lên đến 25 triệu USD và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 12/2024.

Trao đổi với PV, ông YANG TE WEI, Giám đốc công ty cho biết, công ty là một trong những đơn vị tiên phong từ Đài Loan khi đầu tư vào tỉnh Bình Thuận. Trong tương lai, công ty sẽ mở rộng quy mô và dự định tuyển dụng khoảng 300 lao động trong giai đoạn gần nhất, với mục tiêu khi hoàn thành sẽ có khoảng 1.000 nhân viên.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh, công ty rất mong muốn tạo cơ hội giao lưu, giới thiệu và đón tiếp các đoàn doanh nghiệp Đài Loan đến Bình Thuận khảo sát thực địa. Qua đó, công ty hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận trong tương lai.

Bình Thuận nâng cấp hạ tầng đón “sóng” đầu tư- Ảnh 3.

Công ty TNHH Sheh Fung Crews Việt Nam, chuyên sản xuất ốc vít ở Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1.

Thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn đầu tư vào Bình Thuận

Trong thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện nhất quán và đồng bộ các chính sách theo quy định của Chính phủ, đồng thời không ban hành các chính sách riêng biệt trong việc thu hút đầu tư. Điều này đã tạo ra một số thách thức trong việc cạnh tranh thu hút nguồn lực đầu tư, cả từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Ông Lê Ngọc Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh sở hữu một tuyến quốc lộ dài nhất cả nước, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, với việc cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Phan Thiết – Vĩnh Hảo đã đi vào hoạt động, thời gian di chuyển giữa các khu vực hành chính đã được rút ngắn, mở ra triển vọng mới cho dòng vốn đầu tư vào tỉnh Bình Thuận.

Bình Thuận nâng cấp hạ tầng đón “sóng” đầu tư- Ảnh 4.

Một khu công nghiệp ở huyện Hàm Tân sẽ đầu tư xây dựng trong vài năm tới.

Ông Tiến cũng nhận định rằng, nguồn nhân lực tại tỉnh Bình Thuận hiện chưa đáp ứng kỳ vọng, đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Các nhà đầu tư nước ngoài luôn chú trọng đến chất lượng lao động, bao gồm kiến thức chuyên môn, tay nghề và khả năng ngoại ngữ.

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Bình Thuận đã có Trường cao đẳng Bình Thuận và Trường Đại học Phan Thiết, đồng thời hợp tác với Đại học Quốc gia Tp.HCM cùng các cơ sở đào tạo khác để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho tỉnh.

Chia sẻ về những khó khăn hiện tại, ông YANG TE WEI, Giám đốc Công ty TNHH Sheh Fung Crews Việt Nam cho biết, ngành sản xuất ốc vít tại địa phương còn khá mới mẻ, dẫn đến việc thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm. Tuy nhiên, công ty đã xây dựng kế hoạch đào tạo nhân sự và dự kiến nâng cao sản lượng từ 200 tấn mỗi tháng lên 600 tấn, với kế hoạch xuất khẩu 300 container hàng mỗi tháng.

Ông YANG TE WEI cho rằng, Việt Nam đang là một thị trường đầy tiềm năng. Các doanh nghiệp muốn thành công cần hiểu rõ văn hóa địa phương để dễ dàng mở rộng thị trường.

Bình Thuận nâng cấp hạ tầng đón “sóng” đầu tư- Ảnh 5.

Quang cảnh Công ty TNHH Sheh Fung Crews Việt Nam.

Để "giữ chân" các nhà đầu tư và thu hút thêm nguồn lực, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận Lê Ngọc Tiến cho biết, tỉnh Bình Thuận sẽ triển khai kế hoạch thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập trung vào 3 trụ cột chính.

Cụ thể, tỉnh Bình Thuận sẽ ưu tiên kêu gọi các dự án du lịch cao cấp, các khu vui chơi giải trí, các khu thương mại và đô thị, đặc biệt là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch thể thao biển quốc gia.

Đồng thời, tỉnh Bình Thuận sẽ chú trọng đến việc thu hút các dự án công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản, chế biến khoáng sản titan, sản xuất thiết bị điện – điện tử và phát triển năng lượng tái tạo, nhằm tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi và phát triển bền vững.

Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng

Trong giai đoạn 2020 - 2024, 8/9 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã thu hút 14 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đầu tư đạt 13.154,28 tỷ đồng và 15,6 triệu USD. Đặc biệt, KCN Sơn Mỹ I đã thu hút 3 dự án lớn, gồm Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ I, Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II và dự án kho cảng khí LNG Sơn Mỹ, với tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD.

Các doanh nghiệp tại các KCN đóng góp khoảng 635 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, chiếm 1,41% tổng thu ngân sách của tỉnh Bình Thuận. Sự phát triển của các KCN đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp, đồng thời giúp tỉnh tham gia sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực Đông Nam bộ và cả nước.

Các dự án đầu tư thứ cấp trong các KCN hoạt động ổn định, tạo ra việc làm cho hơn 10.500 lao động, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp. Các dự án này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Từ năm 2020 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Thuận đã tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 9%, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu là các quốc gia ở Châu Á, Châu Mỹ và Châu Âu.


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.