Khi viết những dòng này, cảm xúc đầu tiên của tôi là nhớ về những phát ngôn đầu tiên ông Phùng Xuân Nhạ khi đảm nhận cương vị tân Bộ trưởng bộ GD&ĐT. Ông nói như thể rút ruột, rút gan và bằng những gì thật nhất của một nhà giáo: “Tôi không quan niệm giáo dục là trận đánh, giáo dục là con người, đó là công trình lớn, xây dựng nhiều năm”.
Thưa Bộ trưởng, tôi đã kỳ vọng rằng, với phát ngôn đi ngược lại quan điểm của Bộ trưởng tiền nhiệm, người coi giáo dục là “một trận đánh”, ông sẽ ôn hòa, thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ một cách sâu sắc, nhân văn và đầy yêu thương với các thầy cô giáo, những người đang góp phần tạo nên bộ mặt của nền giáo dục và đào tạo nước nhà, mà ông là người đứng đầu.
Tin tưởng, kỳ vọng để rồi tôi nhận ra tôi và hàng vạn người đã nhầm. Thông tin ông tuyên bố thí điểm bỏ biên chế giáo viên như sét đánh ngang tai với không chỉ hàng vạn thầy cô giáo, mà còn là người thân, gia đình họ.
Bộ trưởng đáng kính ạ, ông nói: “Giáo dục là công trình lớn, xây dựng nhiều năm”. Tôi xin mạn phép được hỏi ông, với ý định bỏ biên chế giáo viên, ông muốn xây dựng điều gì cho tương lai của sự nghiệp “trồng người”? Tôi trộm nghĩ, dường như ông đang muốn “bắn đại bác” vào nền giáo dục và thật chua chát, bia đỡ đạn lại chính là thầy, cô.
Thưa Bộ trưởng, sự nghiệp “trồng người” của một quốc gia, dân tộc trông đợi cả vào các thầy, cô giáo. Ông có nghĩ việc bỏ biên chế giáo viên sẽ làm nản lòng những thầy cô đã một đời miệt mài chèo đò đưa con chữ, nuôi ước mơ cho con trẻ không thưa ông? Còn ai sẽ gắn bó với nghề, tâm huyết với sự nghiệp trồng người hay buông xuôi mặc “dòng đời xô đẩy”?
Cuộc đời con người luôn có ba phần, quá khứ, hiện tại và tương lai. Tôi đã tìm hiểu thông tin công khai về ông trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và được biết, ông cũng từng là một thầy giáo. Chẳng hiểu sao tôi đặc biệt ấn tượng với quãng thời gian ông làm giảng viên, Phó Trưởng phòng Hành chính – Tuyên huấn – Đối ngoại, Phó Giám đốc trung tâm Châu Á – Thái Bình Dương, trường Đại học KHXN&NV, đại học Quốc gia Hà Nội.
Tôi vẫn luôn mong nền giáo dục gặt hái nhiều thành công, ghi dấu ấn trên bản đồ giáo dục thế giới và khu vực. Thầy, trò luôn ngẩng cao đầu cùng niềm tự hào dân tộc. Nhưng tôi cũng tin rằng, để làm được điều đó, chắc chắn nó không thể bắt đầu bằng việc bỏ biên chế của thầy, cô giáo, thưa ngài Bộ trưởng!
Thưa ông, chắc hẳn trên con đường sự nghiệp của mình, ông cũng đã trải qua quãng thời gian là một người thầy trong biên chế của ngành giáo dục. Bộ trưởng có thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của chính những đồng nghiệp mà bây giờ là cấp dưới của ông hay không?
Ngày còn đi học và cho đến bây giờ, tôi rất tâm đắc với câu nói: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác”. Hiện tại, “đại bác” đã được bắn vào ngành giáo dục, phản lực dội lại trong tương lai gần sẽ là sự phẫn nộ nhân tâm!
Tôi tha thiết mong Bộ trưởng hãy nghĩ lại!
>>> Xem toàn bộ các ý kiến đóng góp tại đây:
Thí điểm bỏ biên chế giáo viên
Hồng Vân
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả