Bộ Công Thương vừa xác nhận, đã và đang xem xét tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương và các cá nhân, tổ chức liên quan để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định về phát triển và quản lý hạ tầng thương mại.
Dự thảo nghị định về phát triển và quản lý hạ tầng thương mại được xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 về phát triển và quản lý chợ.
Mục đích của nghị định là tạo hành lang pháp lý, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi thúc đẩy sự phát triển đồng bộ hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại,…, không tạo thêm điều kiện kinh doanh, không làm phát sinh các giấy phép con, gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cơ quan này cũng cho rằng nghị định này nhằm hỗ trợ việc tiếp cận thị trường và tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ đối với hàng hóa Việt Nam, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tại các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại nêu trên...
Tuy nhiên, nội dung dự thảo nghị định lại đang chứa một vài “quy định lạ” vấp phải nhiều ý kiến phản đối ví dụ như: Mỗi năm các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền, siêu thị và trung tâm thương mại phải có ít nhất một giám đốc hoặc thành viên hội đồng quản trị là người Việt.
Đồng thời, nhân viên ở tất cả các cấp, bao gồm cấp quản lý phải có thành phần là người Việt không dưới 50%.
Dự thảo nghị định cũng quy định siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, tối thiểu từ 10h đến 22h…
Nhiều ý kiến dư luận cho rằng các quy định này là hết sức phi lý, can thiệp quá sâu đến quyền tự chủ kinh doanh của doanh nhiệp và làm tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng.
Phản hồi dư luận nói trên, đại diện bộ Công Thương cho biết, cơ quan này hoan nghênh mọi ý kiến góp ý, bổ sung đối với đề nghị xây dựng nghị định. Với các mục tiêu đã nêu, bộ Công Thương cho hay, sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng trình tự và quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.