Sáng 4/7, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, một lãnh đạo vụ Thị trường trong nước, bộ Công Thương) cho biết: “Trong quan hệ thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài, không có cam kết ràng buộc về tỉ lệ hàng nội địa. Tất cả chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện, khuyến khích các doanh nghiệp này ưu tiên dùng nguồn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam”.
Tuy nhiên, trong các cuộc làm việc giữa các cơ quan thuộc bộ Công Thương và các chuỗi siêu thị lớn có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ luôn phối hợp, tư vấn cho các doanh nghiệp để đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối với tỉ lệ phù hợp.
Vì thế, trước những ồn ào mà báo chí phản ánh cũng như các bức xúc của doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm làm việc lại với Big C về vấn đề này, xem xét nguyên nhân đằng sau là gì. Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục đề nghị phía tập đoàn Thái Lan có trách nhiệm hợp tác với các doanh nghiệp Việt để đưa hàng nội địa tham gia chuỗi hệ thống siêu thị.
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch hội Dệt may thêu đan TP.HCM thông tin: “Hiệp hội chưa nghe hội viên phản ảnh chính thức về chính sách ngừng nhập hàng may mặc của Big C. Để chủ động, chúng tôi sẽ đề nghị các doanh nghiệp có trình bày chi tiết rồi nghiên cứu, tổ chức làm việc với các bên liên quan”.
Còn ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch hiệp hội Da dày, túi xách TP.HCM cũng bày tỏ: “Những doanh nghiệp đang hợp tác và là đối tác với Big C mà đột nhiên bị cắt ngang hợp đồng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Cắt hợp đồng đồng nghĩa rằng kế hoạch của các doanh nghiệp bị xáo trộn rất lớn, không sản xuất được. Còn đối với người lao động, tâm lý ảnh hưởng đến thu nhập sẽ khiến lo lắng, hoang mang. Vì thế, việc ngồi lại nói chuyện giữa 3 bên, nhà bán lẻ, nhà cung ứng và cơ quan Nhà nước là hết sức cần thiết”.
Trước đó, chiều 3/7 tại TP.HCM, nhiều đại diện của các doanh nghiệp dệt may đã có mặt tại văn phòng đại diện Central Group để phản đối quyết định ngừng nhập hàng của siêu thị Big C.
Đại diện một số công ty dệt may Việt Nam cho rằng, hành động của Central Group đã đẩy hàng loạt nhà cung cấp sản phẩm may mặc vào khó khăn. Việc đột ngột ngưng hợp tác này gây ra nhiều thiệt hại về tài chính, đồng thời là nỗi lo việc hàng ngoại nhập sẽ thoải mái vào hệ thống siêu thị này sau khi đã đẩy toàn bộ hàng may mặc nội địa ra khỏi hệ thống siêu thị.
Trước sự phản ứng mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, đến tối 3/7, đại diện hệ thống siêu thị Big C đã ra văn bản nhằm giải thích rõ cho thông báo trước đó. Cụ thể, đơn vị này cho rằng việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam.
“Big C đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhất nhằm thỏa điều kiện không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới thị trường xuất khẩu tiềm năng. Big C cam kết tiếp tục phát triển cùng các nhà cung cấp địa phương nói chung và ngành hàng dệt may nói riêng”, đơn vị này khẳng định.