Mới đây Bộ GD&&-ĐT đã xây dựng “Bộ tiêu chuẩn” gồm 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí chia thành 4 nhóm: Đảm bảo chất lượng về mặt chiến lược (8 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí); Đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống (4 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí); Đảm bảo chất lượng về mặt thực hiện chức năng (9 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí); Kết quả hoạt động (4 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí).
Tuy nhiên, việc này cũng dẫn tới không ít những quan ngại về việc liệu bộ GD&ĐT có thực hiện nghiêm? Đặc biệt, quy định này đưa ra trong bối cảnh khi mà từ trước đến nay đã nhiều trường “lách luật” hoặc không thực hiện đúng quy định của pháp luật mà vẫn ung dung tồn tại.
Đánh giá về dự thảo này, trong cuộc trao đổi với PV, ông Nguyễn Phong Tân – Chủ tịch HĐQT trường cao đẳng Công thương Hà Nội nêu quan điểm: “Tôi cho rằng, việc đánh giá và kiểm định các cơ sở giáo dục đại học là hoàn toàn cần thiết. Nó sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh công bằng nếu như các trường nghiêm túc thực hiện. Không chỉ vậy, đây sẽ là một trong những tiêu chí giúp thí sinh chọn trường”.
“Không chỉ có vậy, trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu rộng quốc tế và có những hợp tác với các nước ASEAN, bộ tiêu chuẩn này dựa trên hệ thống đảm bảo chất lượng của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á sẽ tiến hành đánh giá được tổng số 220 chương trình đào tạo trình độ đại học và sau đại học, thông qua 98 đợt đánh giá tại 28 trường đại học ở 8 quốc gia Đông Nam Á”, ông Tân nêu quan điểm.
Cũng theo vị này, mục đích của đánh giá chất lượng là nhằm củng cố chất lượng đào tạo, nghiên cứu dịch vụ một cách toàn diện, đánh giá hiệu quả của hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ. Vì thế, việc đánh giá chất lượng ở cấp độ trường đại học sẽ tăng cường mục đích của Mạng lưới AUN-QA theo hướng đảm bảo chất lượng trường đại học ở Đông Nam Á.
Ông Tân cũng chỉ ra ưu điểm, khi các trường phải tham gia đánh giá, mà kết quả đánh giá này sẽ công khai trước xã hội thì điều đó bắt buộc các trường phải tự hoàn thiện mình. Như vậy, sinh viên sẽ là những người được hưởng lợi đầu tiên trong việc này.
Tuy nhiên, vị đại diện trường Cao đẳng Công thương Hà Nội cũng quan ngại “Việc báo cáo cho Bộ dựa trên giấy tờ và những con số. Các trường hoàn toàn có thể “tự biên, tự diễn” để cho những con số và báo cáo ấy đẹp hơn.
Nếu như trường nào cũng như vậy, học sinh, xã hội sẽ bị đánh lừa từ các việc đánh giá này. Còn nếu như một vài trường gian lận như vậy thì sẽ làm cho việc đánh giá không đảm bảo công bằng”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, một cán bộ tại trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Trên thế giới đã ghi nhận những bài học thành công và chưa thành công của các nước sẽ giúp ích cho Việt Nam đưa ra chính sách của mình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chính sách tuyển sinh các nước (bao gồm cả vấn đề “điểm sàn”), cần được xem xét trong bối cảnh của nền giáo dục đại học các nước tương ứng, những nơi mà việc giám sát chất lượng giáo dục được thực hiện chặt chẽ bởi cơ quan kiểm định chất lượng”.
Theo quan điểm của vị cán bộ này, việc kiểm định chất lượng các trường đại học (dù là bắt buộc hay tự nguyện) ở các nước này đã được thực hiện khá lâu và mang tính định kỳ. Nhờ đó, niềm tin đối với chất lượng giáo dục đại học đã được khẳng định”.
Vị này cũng cho biết thêm: “Trong những ngày gần đây, sau khi bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017 với dự kiến bỏ “điểm sàn” chung, trong xã hội cũng xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau. Một số ý kiến lo lắng khi bỏ điểm sàn, chất lượng giáo dục đại học sẽ giảm sút do hệ thống các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta hiện nay rất đa dạng, kinh nghiệm và năng lực quản lý khác xa nhau.
Mặc dù bỏ “điểm sàn” là bước đi nhằm tăng quyền tự chủ của trường đại học song khi trường đại học chưa thực sự chứng tỏ được về năng lực thực tế để thực hiện quyền tự chủ và quản lý chất lượng thì sư lo lắng của xã hội là có cơ sở”.
“Rõ ràng, trường đại học chỉ thuyết phục được xã hội về năng lực của họ thông qua kiểm định chất lượng khách quan. Khi trường đại học được tổ chức kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng mới đủ năng lực tự chủ. Theo tôi, việc giao cho các trường tự quyết hoàn toàn về tuyển sinh và bỏ điểm sàn chung cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo chất lượng”, vị cán bộ cho biết.
Nhật Lâm