Bộ GD chống lạm thu, phụ huynh phải bỏ thêm tiền

Bộ GD chống lạm thu, phụ huynh phải bỏ thêm tiền

Thứ 5, 03/10/2013 15:56

Nhiều phụ huynh phàn nàn, từ khi đi vào hoạt động hiện nay, hội cha mẹ học sinh gần như chỉ làm một việc hiệu quả nhất là kêu gọi đóng góp để "ủng hộ" nhà trường, là "chiếc ô" để thầy cô bám víu, lách luật

Trước tồn tại này, hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đã trình sở GD&ĐT đề án trao quyền cho phụ huynh quyết định việc thu chi trong trường. Để đánh giá hiệu quả của đề án này, từ tháng 10/2013, Hà Nội sẽ thí điểm hoạt động tại 5 trường công lập trên địa bàn. Các chuyên gia hy vọng, đây sẽ là "liều thuốc mạnh" để chống lại nạn lạm thu đang "tác oai tác quái" trong môi trường giáo dục hiện nay.

Trao cho phụ huynh "quả đấm thép"

Người khởi xướng cho đề án này không ai khác chính là TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. TS Lâm cũng được biết đến là Hiệu trưởng của một ngôi trường có "thành tích đặc biệt" bậc nhất Thủ đô - trường Đinh Tiên Hoàng. Người ta vẫn gọi ông là nhà giáo đầy dũng khí khi dám "chiêu mộ" vào trường những học sinh có lý lịch "đáng nể", từ bị đuổi học, đến chơi bời, phá phách... thậm chí từng dính dáng đến pháp luật. Ngành giáo dục Hà Nội hẳn không quên triết lý đã thành chiêm nghiệm của TS. Lâm: "Càng những em có đạo đức, kiến thức chưa tốt lại càng cần được giáo dục nhiều hơn".

Không phải ngẫu nhiên khi TS. Nguyễn Tùng Lâm lại đưa ra ý tưởng về đề án xây dựng hội đồng giám sát trường học này. Đã từ rất lâu rồi, vai trò của hội phụ huynh ngày càng trở nên mờ nhạt. Thật không ngoa khi người ta nói rằng "hội phụ huynh sinh ra chỉ để thu tiền", là "tay trong" giúp nhà trường và thầy cô thực hiện những khoản thu ngoài quy định. Đủ các loại phí trá hình được hội phụ huynh nạp cho nhà trường. Ngoài quỹ lớp, quỹ trường…, phụ huynh còn phải đóng nhiều khoản khác như tiền điều hòa, cây xanh... Thậm chí, phụ huynh còn phải đóng thêm khoản tiền được cho là để nâng cấp đường điện, trạm điện phía trong và ngoài trường… Con số có khi lên đến vài trăm triệu đồng. Lạm thu với đủ kiểu thiên biến vạn hóa đã khiến các bậc phụ huynh bức xúc, ngành giáo dục đau đầu tìm cách gỡ khó nhưng xem ra chẳng mấy tác dụng.

Theo lời TS. Lâm, ban đại diện cha mẹ học sinh làm công việc giám sát chất lượng giáo dục, giám sát thu chi, thế nhưng trên thực tế ban này đang bị biến tướng trở thành "cánh tay đắc lực" của trường trong việc thu tiền. Lý do là vì, con em họ đều nằm trong tay trường, họ bị yếu thế và không có tiếng nói... Trước tồn tại đó, việc xây dựng Hội đồng giám sát trường học là thực sự cần thiết, vẫn trao quyền cho phụ huynh, nhưng không chỉ là giám sát mà còn có quyền quyết định. Thành phần tuyệt đối không có ban giám hiệu nhà trường mà bao gồm phụ huynh và đại diện các ban ngành địa phương nơi trường hoạt động: Hội Cựu chiến binh, hội Người cao tuổi, hội Phụ nữ, hội Khuyến học... "Họ phải là những người được tín nhiệm, thực lòng muốn giáo dục trở nên trong sáng, sẵn sàng đứng về quyền lợi của con em họ chứ không phải đứng về nhà trường. Họ được tham gia quyết định trực tiếp các khoản thu chi ngoài ngân sách của trường học", TS. Lâm giải thích thêm.

Xã hội - Bộ GD chống lạm thu, phụ huynh phải bỏ thêm tiền

Đề án sẽ được thí điểm từ 10/2013 đến hết tháng 7/2014.

Cũng theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, đề án sẽ tiến hành thí điểm tại 5 trường công lập trên địa bàn quận Hoàng Mai gồm 1 trường mầm non, 1 tiểu học, 1 THCS, 1 trung tâm Giáo dục thường xuyên và 1 trường THPT, nơi ông đang công tác. "Tôi hy vọng việc thí điểm sẽ phát huy hiệu quả để tiến tới thành phố có thể áp dụng hình thức Hội đồng giám sát trường học trên tất cả 29 quận huyện, thị xã của Hà Nội", nhà giáo này khẳng định.

Vẫn lo ngại "hiệu ứng phụ"

Một cách nâng cao uy tín, chất lượng cho trường học

Theo lời bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hoàng Mai (Hà Nội), đơn vị tham gia thí điểm đề án này, điều quan trọng là phải làm thế nào để Hiệu trưởng các trường nhận thức được vấn đề. Đây không phải tổ chức ngáng đường mà là một tổ chức tiếp sức cho họ huy động nguồn lực, tìm sự đồng thuận ở phụ huynh, minh bạch tài chính. Mục đích cũng nhằm nâng cao uy tín chất lượng cho trường học. 

Ngay sau khi ý tưởng xây dựng đề án thành lập hội đồng giám sát trường học được phát đi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ chuyên gia giáo dục và các bậc phụ huynh. Phần đông đều đánh giá cao ý tưởng này, cho đây là "quả đấm thép" giáng mạnh vào vấn nạn lạm thu đang bành trướng hiện nay. Ai cũng hy vọng, với biện pháp mới này, hiện tượng thu chi trá hình sẽ bị đẩy lùi, công sức của các bậc phụ huynh sẽ tuyệt đối vì quyền lợi của con em họ chứ không "chảy" vào túi thầy cô, nhà trường hay bất kỳ ai khác.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, phó Giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội, hội đồng giám sát sẽ giúp minh bạch các khoản thu chi, làm cho phụ huynh hiểu rõ món tiền đóng góp dùng để làm gì? Số tiền đó có phục vụ cho con em mình học tập hay không?... "Làm được điều này, tôi tin rằng việc huy động xã hội hóa hay tự nguyện sẽ được xã hội ủng hộ", ông Quang cho biết thêm.

Dù đánh giá cao đề án này, tuy nhiên không ít người vẫn tỏ ra băn khoăn và lo ngại những "hiệu ứng phụ" khi hội đồng giám sát đi vào hoạt động. Chị Nguyễn Thị Hương (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định: "Nhược điểm đầu tiên của đơn vị này là có quá nhiều tổ chức xã hội tham gia can thiệp. Do đó khó tránh khỏi chuyện hình thức, không hiệu quả. Nhược điểm thứ hai là không có cơ chế giám sát của những người trong cộng đồng chịu trách nhiệm giám sát theo luật nên dễ biến tướng. Ở nước ta, chuyện biến tướng giữa các hình thức quản lý là điều thường xuyên xảy ra. Nếu việc quản lý này mà bị biến tướng, vô hình trung sẽ thêm cấp nữa điều hành tiền đóng của phụ huynh".

Cũng trao đổi với PV Người Đưa Tin, PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, cần thời gian thí điểm để đánh giá hiệu quả của đề án. Theo thầy Cương, hiện chúng ta đã có Ban đại diện cha mẹ học sinh làm nhiệm vụ giám sát chất lượng trường học, giám sát các khoản thu chi. Bộ GD&ĐT còn ban hành cả Điều lệ cha mẹ học sinh để tạo hành lang pháp lý cho tổ chức này. Thậm chí có cả thanh tra nhà trường, thanh tra phòng giáo dục, HĐND các cấp... cùng giám sát. Những khoản liên quan đến thu chi của trường họ đều nắm được, chỉ có điều xử lý hay xuề xòa bỏ qua cho nhau.

Theo quan điểm của PGS. Văn Như Cương, quan trọng nhất vẫn là xử lý từ gốc. Chỉ cần phát huy vai trò, trách nhiệm của những tổ chức này thì không cần đến vai trò hội đồng giám sát thu chi nhà trường nữa vừa không phải "phình" thêm tổ chức, bộ máy, vừa tạo niềm tin từ các bậc phụ huynh học sinh.

Dù còn rất nhiều băn khoăn và sẽ tiến hành thí điểm từ tháng 10/2013 nhưng ý tưởng này được hy vọng sẽ là "liều thuốc mạnh" để chống bệnh lạm thu hiện nay. Thiết nghĩ, trong giai đoạn "tranh tối tranh sáng" này, rất cần những phát kiến tâm huyết như vậy.

Anh Văn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.