Nhiều thông tin, câu hỏi xung quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã được đại diện Bộ GD&ĐT giải đáp ngay trong buổi họp báo chiều nay (8/7).
Buổi họp có sự góp mặt của đông đảo các cơ quan báo chí và phản ánh nhiều vấn đề nóng trong những ngày qua.
Trong phần đặt câu hỏi nhiều phóng viên thắc mắc Bộ GD&ĐT có đang ra đề thi theo lối mòn khi đề thi nằm trong dự đoán của nhiều thí sinh, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, việc xác suất để đoán vào tác phẩm nào trong đề cũng là dễ hiểu.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Trung học trả lời: “Có rất nhiều người dự đoán trong khuôn khổ một số tác phẩm nhất định nên đoán trúng là dễ hiểu. Nhưng cùng 1 tác phẩm hỏi khác sẽ chắc chắn khác. Như vậy, phải dự đoán đúng những câu hỏi đặt ra, thậm chí là đoạn trích trong tác phẩm đó mới là lộ đề.
Trong thời gian tới, khi chương trình GDPT 2018 áp dụng, 1 chương trình nhiều sách, sẽ có ngữ liệu khác nhau, lúc bấy giờ đề thi sẽ không kìm kẹp trong bộ sách nào”
Đối với nghi vấn lộ đề thi môn Toán khi xuất hiện đề thi chính thức trên mạng xã hội khi chưa hết giờ làm bài, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an cũng đã vào cuộc để xác minh thông tin để làm rõ vụ việc này.
Đề thi phân hóa phù hợp
Có nhiều phóng viên quan tâm về đề thi năm nay có tính phân hóa cao hơn, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: “Việc kiểm tra, đánh giá theo ma trận đề được các nhà trường áp dụng, triển khai theo văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong nhiều năm nay.
Theo đó, đề có các mức độ câu hỏi, từ nhận biết, thông hiểu, đến vận dụng, vận dụng cao. Ma trận này được thầy cô áp dụng trong các đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học”.
Đề thi được ra cũng cơ bản theo hướng dẫn này, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 và không ra vào phần kiến thức đã được tinh giản. Năm nay, việc tổ chức dạy học rất đa dạng trên toàn quốc trong bối cảnh dịch bệnh, nơi dạy trực tuyến trong thời gian dài, nơi có thời gian dạy học trực tiếp nhiều hơn.
“Độ phân hóa của đề thi là cần thiết để bảo đảm công bằng cho học sinh, tránh trường hợp có thể có rất nhiều học sinh trình độ khác nhau lại cùng đạt điểm tối đa. Bên cạnh đó, với mức độ đề thi như vậy, kết quả thi cũng là một căn cứ để đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua”, Ông Nguyễn Xuân Thành bày tỏ.
Địa phương khó khăn trong quy định 25m
Thông qua ghi nhận thực tế, báo chí phản ánh nhiều địa phương lúng túng với quy định để đồ của thí sinh cách 25m so với phòng thi.
Trả lời câu hỏi này, ông lượng Lê Mỹ Phong, Phó Cục Trưởng phụ trách Cục Quản lý chất thông tin: “Về việc này bây giờ chúng tôi mới được tiếp nhận thông tin. Có thể nói việc bố trí nơi để đồ cách 25m là khó khăn nhưng khi chúng tôi tới kiểm tra các đồng chí nói khó khăn nhưng phải thực hiện.
Chúng tôi sẽ liên hệ với điểm thi để xác minh lại và trao đổi lại với nhà báo. Với lý do không ai trông coi phải mang điện thoại vào thì đó là lý do khó chấp nhận được”.
Nhiều điểm mới trong chấm thi
Liên quan đến công tác chấm thi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Lê Mỹ Phong cho biết, việc chấm thi thực hiện cơ bản như năm 2021 nhưng có thêm một số điểm mới. Cụ thể, trong khâu làm phách với bài thi tự luận, địa phương được quyết định phương án làm 1 vòng hay 2 vòng, nhưng đều phải quán triệt thực hiện theo quy định.
Nếu như năm trước, điện thoại cố định vòng ngoài chỉ cần có loa ngoài, thì năm nay yêu cầu phải có chức năng ghi âm và có loa ngoài do công an kiểm soát liên tục 24 giờ/ngày để liên lạc với Hội đồng thi, Ban Chỉ đạo thi các cấp, mọi liên lạc qua điện thoại đều phải ghi âm, bật loa ngoài, ghi biên bản có chữ ký của các thành phần liên quan.