Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học cho biết, thống kê chung của bộ GD&ĐT cho thấy, hiện có 50% thí sinh chỉ đăng ký từ 1 đến 3 nguyện vọng, 30% thí sinh đăng ký từ 4 đến 5 nguyện vọng và có 18% thí sinh đăng ký từ 6 đến 10 nguyện vọng.
Điều đó cho thấy có đến 80% thí sinh đăng ký từ 1 đến 5 nguyện vọng, 18% thí sinh đăng ký từ 6 đến 10 nguyện vọng (98% thí sinh đăng ký từ 1 đến 10 nguyện vọng). Chỉ 2% đăng ký từ 11 đến 48 nguyện vọng (duy nhất có một thí sinh đăng ký 48 nguyện vọng).
Tính đến nay, vấn đề lớn nhất trong việc xét tuyển của các trường là các trường sẽ rất khó biết thí sinh trúng tuyển vào trường mình có thể trúng tuyển vào trường nào khác nữa để đưa ra điểm chuẩn chính xác.
Bởi lẽ, phần mềm của Bộ chỉ lọc một lần dữ liệu các trường đưa lên để loại ra những thí sinh đã trúng tuyển vào nguyện vọng cao hơn. Do các trường không thảo luận được với phần mềm của Bộ nên rất khó chọn điểm chuẩn bao nhiêu cho vừa vì mỗi trường chỉ biết thí sinh đăng ký vào trường mình.
Chính vì vậy, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Việc lập nhóm xét tuyển là rất quan trọng, nó không chỉ có lợi cho chính các trường mà còn có lợi cho thí sinh, giúp cho việc tuyển sinh trở nên nhẹ nhàng hơn. Bộ khuyến khích việc này”.
Mặc dù trong quy chế không quy định việc các trường phải lập nhóm xét tuyển và việc tham gia nhóm là tự nguyện nhưng qua thống kê dữ liệu đăng ký xét tuyển cho thấy, hầu hết thí sinh đăng ký theo 2 nhóm, hoặc là các trường phía Nam hoặc là các trường phía Bắc, số lượng thí sinh từ phía Nam đăng ký ra các trường phía Bắc hay ngược lại rất ít.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyên các trường phía Nam (từ Quảng Bình trở vào) lập nhóm xét tuyển chung do đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì và các trường từ Hà Tĩnh trở ra lập nhóm xét tuyển phía Bắc do trường đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ sẽ dành ra thời gian 3 ngày (từ 25-28/7) để các nhóm tổ chức xét tuyển chung trước khi chạy phần mềm xét tuyển của Bộ vào 28/7. Theo đó, việc xét tuyển theo nhóm sẽ chạy cơ sở dữ liệu chung của tất cả các trường trong nhóm, thậm chí cơ sở dữ liệu của cả nước để đưa ra điểm chuẩn dự kiến của các trường.
Sau khi việc xét tuyển theo nhóm đã xong, các trường đưa ra điểm chuẩn dự kiến sẽ gửi dữ liệu lên Bộ để Bộ tiếp tục chạy phần mềm lọc ảo một lần nữa giữa 2 nhóm Nam - Bắc và các trường ngoài nhóm.
Việc xét tuyển vẫn là do các trường chủ động, Bộ không can thiệp và nhóm xét tuyển cũng không can thiệp. Các trường tự chọn điểm chuẩn phù hợp, điều chỉnh thông số tuyển chọn phù hợp với các ngành nghề. Nhóm chỉ cung cấp thông tin để giúp các trường xác định điểm chuẩn phù hợp nhất.
"Với việc xét tuyển theo nhóm như vậy thì các trường có thể yên tâm rằng khi một thí sinh trúng tuyển thì thí sinh đó chỉ có thể vào trường mình hoặc bỏ không học chứ không trúng tuyển 2 nơi khác nhau" - ông Ga khẳng định.
Ông Ga cũng cho biết, năm nay là năm đầu tiên cả nước thực hiện xét tuyển theo nhóm lớn, mặc dù không bắt buộc tham gia nhóm nhưng các trường nên cân nhắc bởi lẽ việc xét tuyển theo nhóm không chỉ có lợi cho các trường mà còn có lợi cho thí sinh.
Qua phân tích của Thứ trưởng Ga cho thấy, việc các trường tham gia xét tuyển theo nhóm với cơ sở dữ liệu chung sẽ giúp các trường lọc ảo tốt hơn khi lọc được những thí sinh trúng tuyển vào các trường khác trong nhóm.
Tuy nhiên, đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn còn băn khoăn khi nhiều yếu tố ảo khác ảnh hưởng tới việc xét tuyển như thí sinh đăng ký vào các trường công an, quân đội, thí sinh tuyển thẳng, thí sinh tuyển bằng học bạ…
Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, tại cuộc họp của các trường đại học phía Nam diễn ra cách đây vài hôm, vấn đề lọc ảo cũng được nhiều trường thắc mắc nhất. Nhưng cuối cùng các trường cũng đã đi đến thống nhất chung.
Và Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học giải thích thêm rằng, đối với các trường hợp học sinh trúng tuyển nhưng đi du học, tuyển thẳng thì thường rơi vào các trường đại học tốp trên và cũng không nhiều, không ảnh hưởng quá lớn đến việc xét tuyển.
Công Luân