Với cương vị là một phóng viên, tôi luôn biết nhiệm vụ hàng đầu của mình là phải đáp ứng được những “cơn khát” thông tin của độc giả.
Chúng tôi nhận thức được rằng, giáo dục là một trong những vấn đề mà người dân vô cùng quan tâm. Những tin gây chấn động như vụ án ở Vĩnh Phúc hay sự cố hi hữu ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng... có thể thu hút dư luận trong một vài ngày. Nhưng những vấn đề mà độc giả tìm kiếm hàng ngày, những tin tức mà người đọc lưu tâm nhất lại chính là những vấn đề liên quan đến ngành giáo dục.
Kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, ngoài những cố gắng nắm bắt thông tin tại các điểm thi, xin ý kiến chuyên gia, những “người trong cuộc” về những vấn đề liên quan thì phóng viên chúng tôi cũng không quên phối hợp với bộ GD&ĐT để cập nhật những thông tin chính xác, đa chiều, “nóng hổi” nhất cho độc giả.
Nhưng... dù có cố gắng đến mấy, chúng tôi vẫn nợ độc giả một lời xin lỗi. Dù có nhanh nhạy đến đâu, chúng tôi vẫn không đủ sức đáp ứng được “cơn khát” thông tin cho độc giả bởi chính những người làm nhiệm vụ “cầu nối”, “trung gian” như chúng tôi cũng bị những “nguồn tin” đối xử một cách đầy phân biệt.
Kể lại một câu chuyện cũ, trong buổi Gặp gỡ báo chí nhân ngày Cách mạng báo chí Việt Nam (21/6) tại trụ sở bộ GD&ĐT, một phóng viên đã đứng lên phát biểu: “Đúng ra ngày này là ngày vui, nhưng chúng tôi phải nhắc lại một câu chuyện buồn. Đó là buổi công bố Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể tổ chức tại bộ GD&ĐT những ngày tháng Tư. 3 giờ chiều, 100 phóng viên của các báo Trung ương và địa phương đang ổn định chỗ ngồi thì một số báo đã đưa thông tin về sự kiện này một cách đầy đủ. Đó là một cú tát mà Bộ dành cho phóng viên các báo khác, phải chăng Bộ đang ưu ái một số báo?”.
Phóng viên đã đặt vấn đề một cách thẳng thắn như vậy nhưng ngược lại, người phụ trách truyền thông của bộ GD&ĐT – ông Trần Quang Nam đáp lại chúng tôi bằng sự vòng vo, trốn tránh. Ông đã “đá quả bóng trách nhiệm” sang những người trong ban Soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể: “Cái này chúng tôi không nắm được, do các thầy bên đó”.
Với tư cách là người phụ trách truyền thông của Bộ mà ông Nam lại khẳng định rằng “không nắm được”, không quản lý được thông tin, vậy có phải ông đã vô trách nhiệm với những công việc của mình hay không? Hay phải chăng việc cung cấp thông tin đang được ông Trần Quang Nam ưu ái tới nơi nào mình muốn, mặc cho hàng trăm phóng viên đang cần hoàn thành nhiệm vụ của mình?
Không chỉ có sự ưu ái về mặt thông tin ở sự kiện nói trên, mà với một số sự kiện khác, bộ GD&ĐT cũng tạo ra sự “phân biệt đối xử” một cách rõ rệt.
Cụ thể, trưa ngày 7/7, bộ GD&ĐT gửi thông tin về phổ điểm kỳ thi THPT Quốc gia 2017 cho một số báo. Và sau khi thông tin đăng tải trên những báo đó được khoảng 1 tiếng thì những báo khác mới đồng loạt nhận được nguồn tin từ Văn phòng Bộ. Quả thật, điều đó chẳng khác gì một “cú tát” dành cho cánh phóng viên chúng tôi và cũng là “cú tát” dành cho những độc giả đang quan tâm đến sự kiện.
Giáo dục là sự nghiệp toàn dân, báo chí đóng vai trò cầu nối cung cấp thông tin tới độc giả. Vậy mà Văn phòng lại cung cấp thông tin theo kiểu “ban phát”, “ưu tiên” một cách “trắng trợn”. Ngay đến việc nhỏ là cung cấp thông tin mà Văn phòng Bộ cũng không đảm bảo được sự minh bạch, công bằng thì liệu những việc lớn trong ngành giáo dục, Bộ có giữ được uy tín với người dân hay không?
Tôi tự hỏi, và cũng là câu tâm tư của hàng chục phóng viên khác chuyên trách mảng giáo dục, không biết việc cung cấp thông tin một cách “cửa quyền” như thế có phải chủ trương của bộ GD&ĐT hay không, hay chỉ là sự “phá cách” của một số cá nhân có thẩm quyền?
Và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ông có biết đến sự bất công này hay không?
Bảo Trang - Thanh Tú