Trước tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức xảy ra tại một số địa phương trong thời gian vừa qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, tác động xấu đến môi trường giáo dục và gây bức xúc trong dư luận xã hội, bộ GD&ĐT đã có công văn tăng cường chỉ đạo, khắc phục.
Theo đó, bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở GD&ĐT, các cấp, ngành liên quan cùng thực hiện.
Trước hết, thực hiện nghiêm túc Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 07/5/2018 của Bộ trưởng bộ GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo.
Bên cạnh đó, phải tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống các vi phạm về đạo đức nhà giáo.
Ngoài ra, phải thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời, không bố trí đứng lớp các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng cũng đã chỉ đạo kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những giáo viên vi phạm đạo đức nghiêm trọng.
Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ bê bối liên quan đến đạo đức nhà giáo gây xôn xao dư luận. Từ những vụ dâm ô tại Phú Thọ, Bắc Giang; giáo viên bị tố “gạ tình” tại Thái Bình; hay vụ lùm xùm cô giáo quan hệ thân mật với học sinh tại Bình Thuận,… đều dấy lên nhiều bức xúc, phẫn nộ trong xã hội.
Những vụ việc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của toàn ngành giáo dục, ảnh hưởng không ít đến đội ngũ “cầm phấn”, cần được khắc phục nhanh chóng, kịp thời, không để mất danh dự nghề “cao quý nhất trong những nghề cao quý”.