Nếu để thả nổi thì sẽ có hậu quả rõ ràng
Mới đây, theo dự thảo bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến, nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học chỉ còn 10 mục; không còn phân loại chính quy hay vừa học vừa làm, loại khá hay giỏi. Những cách gọi như “bằng kỹ sư”, “bằng bác sĩ” cũng sẽ bỏ.
Văn bản này là hướng dẫn cụ thể của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019).
Trước dự thảo mà bộ GD&ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến, nhiều chuyên gia cho rằng bỏ đi xếp loại thứ hạng bằng tốt nghiệp xuất sắc, giỏi, khá hay trung bình sẽ không tạo sự phấn đấu. Những người tốt nghiệp mức điểm vừa, điểm cao không cảm thấy sự phân biệt.
Trước vấn đề này, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học cho biết: “Việc bỏ ghi xếp loại trên bằng đại học là đúng, phù hợp với thông lệ chung của thế giới, thể hiện sự không phân biệt, bình đẳng. Nhưng, nếu bỏ như vậy cần có điều kiện nhất định. Bộ GD&ĐT không nói điều kiện bỏ đi là gì thì sẽ dẫn đến "loạn" như xã hội lo, khi ấy sẽ không có sự công bằng đối với những sinh viên hàng ngày hàng giờ nỗ lực phấn đấu”.
TS. Lê Viết Khuyến chỉ ra rằng, như kinh nghiệm của các nước, tất cả các chương trình đào tạo phải xuất phát từ khung trình độ quốc gia.
Nhưng khái niệm khung trình độ quốc gia hiện nay rất chung chung, chưa có gì cụ thể. Khung trình độ quốc gia cần phải xây dựng cụ thể của lĩnh vực đào tạo, ngành đào tạo.
Hơn nữa, quy trình đào tạo hiện nay cũng không rõ ràng. Như hệ vừa học vừa làm đào tạo theo kiểu cắt xén, nhanh gọn. Dư luận còn nhớ đến vụ việc ở Đại học Đông Đô để thấy rõ chúng ta rút ngắn vô tội vạ về việc đào tạo văn bằng. Vấn đề này, tôi nghĩ không chỉ ở trường Đông Đô.
"Tôi cho rằng, chủ chương của bộ GD&ĐT là đúng, mục đích đúng vì làm như vậy không phân biệt người học. Nhưng, tất cả phải có điều kiện để đảm bảo được xã hội chấp nhận. Nếu để thả nổi thì sẽ có hậu quả rõ ràng”, TS lê Viết Khuyến nhận định.
Cần phân loại bằng cấp
Cùng trao đổi với PV, PGS.TS Phạm Ngọc Trung (Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: “Việc bỏ ghi xếp loại khá, giỏi trên bằng đại học nhiều nước trên thế giới đã làm. Tuy nhiên, nếu như bỏ xếp loại trên bằng đại học thì ngay từ đầu vào trường, hồ sơ của học sinh, sinh viên phải tỉ mỉ, cụ thể đến từng chi tiết thì mới có thể đánh giá rõ năng lực cũng như trình độ của từng người. Có thể, tấm bằng không phản ánh rõ quá trình học của một người nhưng hồ sơ, bảng điểm chính là chứng cứ để người đó có thể tuyển dụng đúng với vị trí của mình”.
Việc không phân biệt chính quy hay vừa làm vừa học trên tấm bằng đại học, PGS.TS Phạm Ngọc Trung phân tích thêm, hệ chính quy khi học đã được thống nhất quá rõ. Nhưng hệ tại chức chính là những người vừa học vừa làm, họ không có điều kiện thi đỗ vào các trường chính quy cho nên họ phải đi đường tắt.
Hiện nay, học tại chức cũng có thể lấy bằng thạc sĩ, điều này gây ra một sự rối loạn trong xã hội, ảnh hưởng không tốt nhiều mặt.
Giờ giấu đi chữ chính quy và tại chức trên tấm bằng tức là không còn gốc tích xuất thân từ đâu. Khi ấy, họ có thể ngồi bất cứ ghế nào của hội đồng khoa học, hội đồng nghiệm thu đề tài cấp tỉnh, cấp quốc gia, như vậy sẽ ảnh hưởng đến nền giáo dục.
“Vì thế, chúng ta cần phải phân biệt, nhưng phân biệt như thế nào là tùy vào những người quản lý. Đã phân biệt trong hồ sơ khi tuyển dụng phải yêu cầu người đưa bằng cấp đó ra để xem xét hồ sơ như thế nào. Mọi thứ cần rõ ràng thì mới mong một nền giáo dục phát triển", PGS.TS Phạm Ngọc Trung đưa ra ý kiến
Mai Thu