Cuộc thi phát động việc vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học, hay phối hợp để dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học năm học 2012-2013 là cuộc thi phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Microsoft, được khởi động từ ngày 14/11/2012 và kết thúc vào cuối tháng 3/2013. Cuộc thi đã nhận được gần 2500 bài dự thi nhờ sự hưởng ứng bởi đông đảo giáo viên và học sinh trên khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Tham dự Lễ trao giải có sự hiện diện của Lãnh đạo Bộ GDĐT; đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ; Vụ Giáo dục Tiểu học; Vụ Giáo dục thường xuyên; Vụ Công tác học sinh, sinh viên; Cục Nhà giáo và cán bộ quản lí cơ sở giáo dục; Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục; Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; Lãnh đạo và chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học; đại diện lãnh đạo trường ĐHSP Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất học liệu, các Sở Giáo dục Đào tạo phía Bắc cùng đông đảo giáo viên và học sinh.
Ông Aung Maung, giám đốc khối chính phủ của Microsoft Việt Nam chia sẻ: “Đây là cuộc thi được tổ chức theo Kế hoạch số 1112/KH-BGDĐT ngày 31/10/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phối hợp cùng Microsoft, và là một hoạt động trong chuỗi sáng kiến của chương trình Microsoft Partners in Learning. Chương trình Partners in Learning đã được Microsoft VN và Bộ Giáo dục đào tạo phối hợp triển khai gần 10 năm nay, mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong công tác giảng dạy và học tập cho giáo viên và học sinh trên toàn quốc”,
Tại buổi lễ ông Hoàng Văn Thinh, giám đốc Sở GDĐT tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh: “Với mục tiêu nhằm tôn vinh giáo viên có những sáng kiến và tư duy đổi mới trong phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học; Khuyến khích các phương pháp giảng dạy có tích hợp CNTT một cách hiệu quả và những đổi mới trong cách thức kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học sinh; Góp phần đẩy mạnh phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm, xây dựng các hoạt động trong và ngoài lớp học, tạo điều kiện và khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu và tư duy độc lập; Tạo cơ hội cho các giáo viên được giới thiệu và chia sẻ những sản phẩm giảng dạy đổi mới nhằm nhân rộng và khuyến khích nhiều giáo viên hơn nữa tham gia và cập nhật phương pháp giảng dạy đổi mới và hiệu quả; Khuyến khích học sinh sáng tạo trong cách học và vận dụng kiến thức để hình thành các kỹ năng giải quyết vấn đề cuộc thi đã đạt được những kết quả ấn tượng”
Với gần 2500 bài thi được gửi về nhờ sự hưởng ứng của đông đảo giáo viên và học sinh trên khắp các tỉnh thành trên cả nước, ban tổ chức đã chọn ra được 149 học sinh và 296 giáo viên đoạt giải trên toàn quốc, với những kiến thức và trải nghiệm phong phú về việc dạy và học. Kết quả này đã cho thấy được tiềm năng rất lớn của giáo dục Việt Nam trong quá trình đổi mới, tối ưu hóa sức mạnh của CNTT.
Cũng nhân buổi lễ phát thưởng, Microsoft và Bộ GD&ĐT thông báo và khuyến khích các giáo viên trên toàn quốc tham gia chương trình Chuyên gia giáo dục. Một chương trình nhằm tôn vinh các nhà giáo dục có tầm nhìn sâu rộng trên toàn cầu, những người đang sử dụng công nghệ vào dạy học một cách hiệu quả nhằm mang lại môi trường học tập và kết quả tốt hơn cho học sinh.
Bên cạnh đó với tư cách là nhà cung cấp phần mềm, dịch vụ và các giải pháp hàng đầu thế giới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và mọi người dân phát huy tối đa khả năng và tiềm năng của mình Microsoft đã cho ra đời Chương trình Partner in Learning (Đối tác giáo dục). Đây là một sáng kiến toàn cầu mà Microsoft thiết kế để chủ động tăng cường tiếp cận công nghệ và cải thiện việc ứng dụng CNTT trong việc dạy và học.
Dự án kéo dài gần 10 năm được công ty Microsoft đầu tư hơn 500 triệu USD để hỗ trợ giáo dục trên toàn cầu.
Được thành lập năm 2003, Chương trình đã giúp cho hơn 196 triệu giáo viên và học sinh trên 114 quốc gia sử dụng CNTT một cách hiệu quả và sáng tạo trong giảng dạy để tăng cường hiệu quả học tập của học sinh. Một trong những kênh hỗ trợ chương trình là hệ thống mạng Partner in Learning – kênh liên hệ, trao đổi, chia sẻ cũng như học hỏi các ý kiến sáng tạo trong việc ứng dụng CNTT trong giáo dục cho hàng triệu các lãnh đạo giáo dục, giáo viên trên toàn cầu.
Bắt đầu triển khai ở Việt Nam từ năm 2005, chương trình đã hỗ trợ tích hợp CNTT vào giảng dạy và học tập hàng ngày để thúc đẩy chất lượng giáo dục của Việt Nam với phương châm lấy học sinh làm trung tâm. Tính đến nay có 65.000 giáo viên và 2.100.000 học sinh tại 5.150 trường tại Việt Nam đã gặt hái thành công nhất định từ chương trình này. Chương trình tạo được mối liên kết chặt chẽ với các Sở GDĐT như: Hồ Chí Minh, An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Hải Phòng, Huế, Hải Dương, Bắc Giang, Vũng Tàu…
Chi Phan