Cụ thể, 5 tổng công ty lớn bao gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR); Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV).
Được biết, 5 tổng công ty của ngành giao thông sở hữu tổng tài sản lên tới 275.000 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước hơn 46.000 tỷ đồng.
Tại buổi lễ bàn giao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao tính tích cực, chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và bộ Giao thông để việc chuyển giao được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi.
Tiếp nhận 5 tổng công ty lớn từ bộ GTVT, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho biết, sau khi chuyển giao 5 tổng công ty, Ủy ban sẽ phối hợp chặt chẽ với bộ GTVT, tập trung sản xuất kinh doanh, nghiêm túc thực hiện sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DN.
Cũng trong ngày 12/11, Thứ trưởng bộ GTVT Lê Đình Thọ chính thức ký Quyết định cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho công ty TNHH Hàng không Tre Việt, đơn vị sở hữu hãng hàng không Bamboo Airways, thành viên của tập đoàn FLC.
Văn bản do Thứ trưởng bộ GTVT Lê Đình Thọ ký nêu rõ: "Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty Tre Việt đầy đủ, hợp lệ đáp ứng các điều kiện về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác tổ chức bộ máy và phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định tại Nghị định 92 và phù hợp với quy định về thương hiệu của hãng hàng không quy định tại Nghị định 30".
Việc có được Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không là cơ sở pháp lý quan trọng để Bamboo Airways có thể tham gia khai thác kinh doanh vận chuyển hàng không. Bamboo Airways cũng là hãng hàng không đầu tiên trải qua khâu xin phê duyệt chủ trương đầu tư theo luật Đầu tư thay vì chỉ phải hoàn tất những quy định tại Nghị định 92 về kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không như trước kia.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được lập từ tháng 2/2018, ông Nguyễn Hoàng Anh - cựu Bí thư tỉnh uỷ Cao Bằng giữ chức Chủ tịch. Cuối tháng 9, siêu Uỷ ban đã chính thức hoạt động, quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển về từ các bộ, ngành.
Siêu ủy ban có nhiệm vụ quản lý tổng số tài sản khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và 820.000 tỷ đồng vốn Nhà nước. 19 đơn vị trong diện quản lý của siêu ủy ban gồm các công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài, đang thuộc quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Thông tin & Truyền thông và Giao thông & Vận tải.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.
Thế Anh