Sau khi xem xét đồ án quy hoạch của TP.Hà Nội, bộ GTVT đưa ra quan điểm: Hà Nội không nên đưa toàn bộ các bến xe liên tỉnh ra vành đai 4. Đặc biệt, cần phải có kết nối phù hợp tuyến cố định với khu vực tiệm cận trung tâm, như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản... để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.
Cùng với đó, bộ GTVT cho rằng, các bến xe liên tỉnh hiện nay ở Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... nên được quy hoạch ổn định và nâng cấp thành bến xe nhiều tầng.
Đồng thời, không nên xây dựng mới các bến xe liên tỉnh có tính chất sử dụng không lâu dài, chỉ khai thác trong thời gian quá độ (như bến xe Yên Sở được nêu trong quy hoạch) để tránh lãng phí vốn đầu tư và ảnh hưởng đến quỹ đất của thành phố.
Được biết, bộ Xây dựng cũng đề nghị các bến xe phải có bán kính phục vụ, tính khả thi kết nối giao thông công cộng, cũng như tính toán kinh phí giải phóng mặt bằng, đấu thầu công khai các dự án đầu tư bến xe.
Hà Nội cần nghiên cứu ý kiến của người dân và tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia, doanh nghiệp để lấy ý kiến về quy hoạch đầu tư xây dựng bến xe, bãi đỗ xe...
Trước đó, UBND TP.Hà Nội có xin ý kiến của bộ GTVT, bộ Xây dựng về đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, để UBND thành phố làm cơ sở báo cáo HĐND phê duyệt.
Tại đồ án này, TP.Hà Nội quy hoạch 7 bến xe liên tỉnh gồm bến xe khách phía Bắc (ở Nội Bài), bến xe Đông Anh, bến xe Cổ Bi, bến xe phía Nam (tại huyện Thường Tín), bến xe Yên Nghĩa, bến xe phía Tây, bến xe Tây Bắc (Phùng).
Trong giai đoạn quá độ chuyển tiếp giữa các bến xe hiện có và bến xe quy hoạch mới, Hà Nội dự kiến xây bến xe Yên Sở tại vành đai 3, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai với diện tích 3,2 ha.
Đáng chú ý, đồ án quy hoạch bến xe chưa được UBND trình HĐND TP.Hà Nội nhưng theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, tại mảnh đất nằm trên đường gom của đường vành 3, chủ đầu tư đã cho người quây tôn kín xung quanh và tiến hành san lấp, làm móng một số tòa nhà. Việc chủ đầu tư tiến hành san lấp xây dựng khiến cho người dân khu vực bức xúc và phản ứng gay gắt.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, chủ đầu tư xây dựng bến xe Yên Sở là công ty CP Bến xe Thanh Trì có địa chỉ: Số 1199, đường Giải Phóng, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội; đại diện pháp luật là ông Tô Mạnh Hùng.
Đây là một doanh nghiệp mới chỉ được cấp phép và chính thức hoạt động từ ngày 12/7/2016. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty này là hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường sắt và đường bộ.
Ngoài ra, còn có một số ngành nghề kinh doanh khác như: Sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác); bán buôn ô tô và xe có động cơ khác; Bán lẻ ô tô con (loại 12 chỗ ngồi trở xuống); đại lý ô tô và xe có động cơ khác; bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và xe có động cơ khác...
Thế Anh