Thông tin về dự án BOT Cai Lậy, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, bộ đang chờ quyết định của Thủ tướng về phương án xử lý bất cập tại dự án BOT quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy (Tiền Giang).
Đề cập tới 5 phương án đưa ra nhằm giải quyết bất cập tại BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Nhật cho rằng, những phương án trình Thủ tướng đã được cơ quan chuyên môn phân tích ưu và nhược điểm. Năm phương án này đều có ưu, nhược điểm, nhưng Bộ kiến nghị Thủ tướng chọn phương án có nhiều tối ưu nhất.
Nói về tầm ảnh hưởng của dự án, Thứ trưởng Nhật khẳng định: “Quyết định phương án cho BOT Cai Lậy sẽ được Thủ tướng xem xét thận trọng, tránh ảnh hưởng đến các dự án BOT khác và môi trường đầu tư. Đặc biệt, là việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sắp tới. Đây là một trong những dự án quan trọng của quốc gia”.
Cũng theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng vụ Hợp tác công tư (PPP- Bộ GTVT) cho rằng, khi kiến nghị Thủ tướng chọn phương án 1, giữ nguyên trạm BOT hiện hữu, giảm phí xuống 15.000 đồng/lượt (xe 4 chỗ), Bộ căn cứ vào rất nhiều yếu tố.
Đầu tiên là hợp đồng giữa Nhà nước và nhà đầu tư khi ký hợp đồng dự án. Hợp đồng xác định rõ vị trí đặt trạm BOT và vị trí này được thống nhất giữa Bộ, địa phương và chủ đầu tư. Ngoài ra, phương án được lựa chọn phải cân đối được lợi ích xã hội, Nhà nước và chủ đầu tư. Bộ cũng căn cứ vào kết luận về BOT Cai Lậy của Kiểm toán Nhà nước, thanh tra bộ GTVT khi đề xuất 5 phương án.
“Hiện nay, ngân sách không đủ để mua lại trạm BOT Cai Lậy, nếu mua lại BOT Cai Lậy sẽ phải bố trí ngân sách trả nhà đầu tư 1.250 tỷ trong năm 2019. Còn nếu trả trong 7 năm là hơn 2.000 tỷ đồng”, ông Huy cho biết.
Bộ GTVT đưa ra 5 phương án giải quyết những bất cập tại dự án BOT Cai Lậy: Phương án 1 là giữ nguyên vị trí thu phí trên quốc lộ 1 rồi giảm giá ở mức thấp nhất là 15.000 đồng/ôtô thay cho mức 25.000đ gần đây nhất. Các loại xe khác sẽ có mức điều chỉnh giảm tương ứng, đồng thời mở rộng phạm vi miễn giảm cho các hộ dân có phương tiện không kinh doanh lẫn kinh doanh ( 50%) ở vùng lân cận thuộc hai huyện Cai Lậy và Cái Bè; Phương án 2 là lập thêm trạm thu phí trên tuyến tránh, thu phí cả hai trạm với mức 25.000 đồng ở tuyến tránh và 15.000 đồng trên quốc lộ 1. Thời gian thu giá là 10 năm. Phương án này phải tốn thêm khoảng 90 tỷ đồng cho việc giải phóng mặt bằng và xây dựng trạm mới. Phương án 3 là giữ nguyên vị trí trên quốc lộ 1 và thu mức giá 25.000 đồng và thời gian thu phí là 7 năm. Phương án 4 là chỉ đặt trạm thu phí trên tuyến tránh, nhà nước bù 1.250 tỷ đồng. Phương án 5 là đàm phán với nhà đầu tư mua lại toàn bộ dự án tức là xóa sổ trạm thu phí BOT này. |
|
Thế Anh