Trong những năm qua, hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp theo hình thức Hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Tuy nhiên, việc các trạm thu phí “nở rộ” mọc lên như nấm trên các tuyến đường đã ảnh hưởng như thế nào đối với người dân, xã hội…?
Để tìm hiểu rõ những vấn đề trên, PV báo Người Đưa Tin đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT để giải đáp về những vấn đề đang được dư luận quan tâm.
PV: Thưa Thứ trưởng, trong năm 2016 vừa qua, Bộ GTVT đã thực hiện được bao nhiêu dự án BOT?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Trong những năm vừa qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ GTVT đã đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Đặc biệt, từ năm 2013-2015 thì Bộ GTVT đã thu hút được trên 200 nghìn tỉ đồng. Trong đó đã đầu tư trên 60 nghìn tỷ đồng cho 28 trạm BOT trên QL1 đường HCM. Đây là một cố gắng rất lớn của ngành GTVT và đánh giá rất cao các nhà đầu tư đã mạnh dạn đầu tư vào hạ tầng giao thông trong khi nguồn đầu tư rất lớn và hết sức khó khăn.
Trong quá trình thực hiện các dự án BOT, Bộ GTVT đã triển khai rất tốt Nghị định 108 của Chính Phủ về hình thức đầu tư BOT, từng bước nâng cao được nhận thức, đảm bảo được các thủ tục pháp lý cho hình thức đầu tư này. Sau khi thực hiện xong các dự án BOT thì Chính Phủ đã ban hành Nghị định 15 cũng như Nghị định 30 để phục vụ cho đầu tư bằng hình thức TPP là đưa ra những cơ chế phù hợp cho đầu tư.
Bộ GTVT cũng gặp không ít khó khăn trong việc kêu gọi những nhà đầu tư, về nguyên tắc chúng ta phải đấu thầu dự án BOT. Tuy nhiên, một thực tế đặt ra là chỉ có một số nhà thầu tham gia nên gần như là đấu thầu một nhà thầu. Đây cũng là một hạn chế trong vấn đề cạnh tranh vì năng lực của các nhà thầu chưa đủ lớn để mà tham gia đầu tư BOT.
PV: Các trạm thu phí “nở rộ” mọc lên như nấm trên các tuyến đường đã ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống - xã hội, cũng như người dân gần khu vực các trạm thu phí. Ông đánh giá thế nào về những điều này?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Bộ GTVT đã thực hiện xây dựng các trạm thu phí BOT theo thông tư 90, hiện nay là thông tư 159. Theo thông tư hướng dẫn thì các trạm BOT cách nhau tối thiểu 70km cũng như trong một bán kính thì không quá 50km. Bộ GTVT luôn luôn bám sát để thực hiện việc này, trên tuyến QL thì cứ 70km mới cho xây dựng một dự án BOT để đảm bảo quy định đấy.
Tuy nhiên, một bất cập đặt ra là khi làm theo quy định đó thì lại có trường hợp rơi đúng vào khu đô thị, các khu vực nhạy cảm nên Bộ GTVT kiến nghị cho xê dịch từ 5-10km vì thế có những trạm trên 70km, có những trạm dưới 70km… Trên thực tế, đối với các đường cao tốc thì việc thu phí không phụ thuộc vào trạm nhiều hay ít mà tính theo cây số, anh đi cây số nào thì anh trả tiền cây số đó. Đối với đường cao tốc thì trạm dày hay trạm thưa cũng không có ý nghĩa.
Bộ GTVT đã tổ chức tổng kết 5 năm về đầu tư BOT và đã rút ra được bài học, trên cơ sở đó để đưa ra một số tham mưu cho chính phủ để đưa ra những cơ chế rõ rệt hơn.
Thứ nhất, là kiểm soát các dự án BOT, từ khâu lập FF, cho đến thiết kế và quyết toán thì đều phải có sự thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà cụ thể cơ quan chủ quản là Bộ GTVT thì chúng ta mới kiểm soát được tất cả các quá trình đó.
Thứ hai, trong quá trình xây dựng phương án tài chính thì mình cũng phải đưa ra tất cả những yếu tố để đáp ứng được dự án đó có tính khả thi cao. Ví dụ như vốn chủ sở hữu đòi hỏi phải lớn hơn, cơ quan tổ chức tín dụng đó phải cam kết cho vay…
Thứ ba nữa là quá trình tổ chức hoàn vốn là phải đảm bảo minh bạch và rõ ràng, và phải thông qua thu phí bằng công nghệ điện tử. trước mắt là thu phí dừng, tương lai là thu phí không dừng thì chúng ta mới kiểm soát được vấn đề đó.
Một yếu tố quan trọng nữa là khi xây dựng các tuyến BOT thì chúng ta cũng phải xây dựng những tuyến để người dân có quyền lựa chọn. Tức là phải có tuyến đường song hành, người dân muốn đi vào đường thu phí thì người dân phải trả phí, còn người dân không thích thì có thể lựa chọn đi con đường khác. Lúc đó chúng ta mới đầu tư BOT thì hợp lý hơn, chứ chúng ta buộc người dân phải đi vào tuyến đó đồng nghĩa bắt buộc người dân phải đi…
Đây là những bài học sau khi đầu tư giai đoạn một. Chính vì thế từ đầu năm 2016 trở lại đây thì Bộ GTVT đang tập trung quyết toán lại các dự án BOT đã đầu tư. Trên cơ sở hoàn thành các quyết toán đó thì chúng ta sẽ ký lại hợp đồng với nhà đầu tư, công khai toàn bộ dự án đó để người dân biết, theo dõi. Tổ chức, rà soát lại việc thu phí, đảm bảo công khai, minh bạch chống thất thoát đồng thời đưa công nghệ thu phí không dừng vào để giảm bớt vấn đề ách tắc cũng như minh bạch hơn trong vấn đề thu phí.
PV: Trong năm 2017 sắp tới BỘ GTVT có những phương án gì để giản ùn tắc, chống thất thoát phí tại các trạm thu phí BOT?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Để giảm ùn tắc, Bộ có các giải pháp như sau:
Thứ nhất, Bộ đã quy định, đối với dự án QL thì số trạm, số cửa thu phí bao giờ cũng phải gấp 2,5 lần so với làn xe quy định.
Thứ hai, áp dụng thu phí một dừng và thu phí không dừng để giảm thiểu thời gian ô tô đỗ trước cảng thu phí là thấp nhất. Ví dụ trước đó mất một phút, bây giờ rút xuống còn 20-30s thì cũng đã giải quyết được rất nhiều vấn đề ùn tắc.
Thứ ba, áp dụng hình thức bán vé tháng, vé quý, những vé này được dán trên xe ô tô. Để khi barie tự nhận biết đó là vé tháng, vé quý sẽ tự động mở để xe đi qua mà không phải qua nhân viên bán vé nữa.
Ngoài 3 phương án trên sẽ có thời điểm mà mật độ xe quá lớn như dịp lễ Tết. Trong trường hợp ách tắc quá thì phải mở ngay cho xe đi không thu phí nữa (tắc trên 500m). Nếu trạm nào không thực hiện thì sẽ bị xử lý.
Về việc chống thất thoát phí BOT, Bộ GTVT giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) chịu trách nhiệm kiểm tra hoạt động của các trạm thu phí, Tổng cục ĐBVN phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra thu phí tại các trạm thu phí. Trên cơ sở đó để có một đánh giá chính xác về hoạt động thu phí để điều chỉnh thu phí cho phù hợp, tránh thất thoát kinh phí cho nhà nước.
Tập trung chuyển thu phí bằng tay sang thẻ điện tử. Nếu phát hiện trạm thu phí nào không trung thực trong quá trình khai báo nguồn thu thì Bộ GTVT có quyền dừng việc thu phí lại, đưa các cơ quan có trách nhiệm vào để đảm bảo hiệu quả hoạt động. Cuối cùng là xử phạt nghiêm minh những nhà đầu tư nào không thực hiện nghiêm việc thu phí.
Thế Anh