Chiều 17/2, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Phước cho biết, Bộ GTVT vừa có thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước vào ngày 12/2 về viêc Bộ GTVT thống nhất cần thiết tiếp tục nghiên cứu đầu tư khôi phục cầu Mã Đà kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nguyên.

Trụ cầu Mã Đà được xây dựng thời Pháp, nay vẫn còn trụ bắc qua tỉnh Đồng Nai.
Qua đó theo nội dung thông báo kết luận, Bộ trưởng Trần Hồng Minh thống nhất với đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước như sau:
Thứ nhất, đối với chủ trương đầu tư mở rộng tuyến đường ĐT.753 kết nối với đường ĐT.761 của tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà: Bộ GTVT thống nhất cần thiết tiếp tục nghiên cứu đầu tư khôi phục cầu Mã Đà kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nguyên. Đề nghị UBND tỉnh Bình Phước làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để thống nhất phương án đầu tư tuyến đường trên. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Sau khi có ý kiến của UBND tỉnh Đồng Nai gửi Bộ GTVT, giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, tham mưu Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư tối ưu để tạo điều kiện cho tỉnh Bình Phước kết nối trực tiếp với Đồng Nai, các địa phương trong vùng và khu vực Tây Nguyên theo chỉ đạo của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Thông báo kết luận số 117-TB/VPTW ngày 13/1/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng.
Thứ hai, đối với Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Chơn Thành (Bình Phước) - Gia Nghĩa (Đắk Nông): đề nghị UBND tỉnh Bình Phước triển khai các thủ tục theo quy định pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, đề nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham mưu thuộc Bộ GTVT; đồng thời nghiên cứu ý kiến của Bộ GTVT tại Văn bản số 10737/BGTVT-CĐCTVN ngày 4/10/2024 nhằm sớm khởi công dự án.

Sơ đồ hướng tuyến kết nối các tỉnh Tây Nguyên đến tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai.
Theo Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Phước Nguyễn Anh Tuấn, đường ĐT.753 là tuyến đường đối ngoại quan trọng của tỉnh Bình Phước; đây là tuyến đường ngắn nhất và nhanh nhất kết nối các tỉnh Tây Nguyên (qua Bình Phước) với tỉnh Đồng Nai để đi sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.
Dọc theo tuyến đường này, tỉnh Bình Phước quy hoạch Khu công nghiệp Đông Nam Đồng Phú rộng trên 4.000ha rất cần có hạ tầng giao thông kết nối đến các trung tâm, cảng của các tỉnh lân cận, trong đó có tỉnh Đồng Nai.
Về quốc phòng, tuyến quốc lộ 13 và đường tỉnh 741 được xác định là tuyến cơ động chi viện cho Bình Phước ngắn nhất. Còn tuyến đường tỉnh 753 hiện hữu tuy chưa là tuyến giao thông huyết mạch nhưng lại có giá trị chiến lược cực kỳ quan trọng trong khu vực phòng thủ của Quân khu 7 và trên cả chiến trường miền Nam nói chung.
"Tuy nhiên, cầu Mã Đà đã bị đánh sập trong chiến tranh, đến nay vẫn chưa được khôi phục lại. Nhu cầu đi lại, giao thương của người dân hai tỉnh rất lớn, hằng ngày người dân vẫn lưu thông qua lại khu vực cầu Mã Đà nhưng rất khó khăn và nguy hiểm (đặc biệt là trong mùa mưa lũ). Do đó, việc khôi phục lại cầu Mã Đà nhằm đảm bảo khả năng kết nối với tỉnh Đồng Nai (hai tỉnh có đường biên giáp ranh khoảng 160km, chưa có tuyến đường kết nối trực tiếp) có ý nghĩa rất quan trọng, cần thiết và cấp bách", ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo tỉnh Bình Phước, các bộ ngành trung ương đi kiểm tra thực tế tại Mã Đà, điểm giáp ranh Bình Phước - Đồng Nai và ngày 20/3/2022. (Ảnh tư liệu)
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, theo quy hoạch tỉnh Bình Phước đã được Thủ tướng phê duyệt, tuyến đường tỉnh 753 từ đường tỉnh 741 đến cầu Mã Đà được quy hoạch là tuyến quốc lộ 13C nhằm kết nối với đường tỉnh 761 tại cầu Mã Đà và đường tỉnh 762 của tỉnh Đồng Nai ra quốc lộ 1 về sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.
Và qua đánh giá thực trạng hệ thống giao thông của tỉnh Bình Phước, định hướng của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất lựa chọn phương án kết nối giao thông giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai như sau: "Đường tỉnh 753 có điểm đầu tại Tp.Đồng Xoài, điểm cuối tại cầu Mã Đà là tuyến đường ngắn nhất và nhanh nhất kết nối các tỉnh Tây Nguyên (qua Bình Phước) với tỉnh Đồng Nai, tiếp tục theo các tuyến đường địa phương để kết nối với đường Vành đai 4 đoạn qua Tp.Biên Hòa với tổng chiều dài khoảng 76km".
Dự kiến, tuyến đường có quy mô 4 làn xe, đồng bộ với các dự án đang triển khai trong khu vực. Khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư cho phương án khôi phục cầu Mã Đà để kết nối tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai là khoảng 5.130 tỷ đồng, đã bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Đối với các tác động ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, qua khảo sát thực tế chỉ có khoảng 2km rừng tự nhiên, 29km còn lại là rừng trồng (chủ yếu là cây keo lai). Do vậy, UBND tỉnh Bình Phước cho rằng có thể nghiên cứu các phương án làm đường trên cao, cầu cạn, rào chắn chống ồn, hầm lộ thiên tương tự đường Hồ Chí Minh qua rừng quốc gia Bạch Mã, Cúc Phương để giảm thiểu tối đa các tác động đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.