PV báo điện tử Người đưa tin đã có cuộc trò chuyện với một số cán bộ Phật giáo để cùng mổ xẻ vấn đề.
Ông Trần Hồng Trường, Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Chưa từng có tiền lệ
Mấy ngày qua, khi nghe báo chí phản ánh về một bức ảnh gia đình của một vị đại gia được treo trên chính điện của một ngôi chùa, tôi cảm thấy hết sức ngạc nhiên. Bởi từ trước đến nay, mặc dù đã đi rất nhiều chùa trên cả nước nhưng tôi chưa từng thấy sự việc này bao giờ.
Theo lẽ thường, khi một con người có tâm, công đức vào chùa thì việc vinh danh họ là nên làm và hết sức bình thường. Tuy nhiên, việc vinh danh ở mức nào cho hài hòa thì cần phải xem xét cho kỹ. Tôi được biết, xung quanh câu chuyện đại gia xây chùa rồi treo ảnh ở Trà Vinh có rất nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng, việc treo ảnh ở trước cửa chùa là vô cùng kệch cỡm.
Tuy nhiên, có người lại cho rằng đó là hành động khuyến thiện. Có nghĩa là khi người ta làm việc tốt thì nên tặng bằng khen và vinh danh công đức cho họ. Thực tế cho thấy có nhiều đại gia rất giàu có, tiền tiêu xài hoang phí. Tuy nhiên, khi thấy vợ, người thân đi lễ chùa hay làm từ nguyện thì lại ra sức ngăn cấm.
Tôi nói điều này để mọi người hiểu rằng, rõ ràng vị đại gia ở Trà Vinh kia có tâm công đức nên mới chi tiền ra xây, trùng tu chùa. Việc làm này cũng đáng hoan nghênh lắm chứ. Tuy nhiên, đạo Phật đề cao tính khiêm cung. Có nghĩa là khiêm tốn trong mọi việc. Không cần phải cứ gắn tên, treo ảnh là người đời sẽ nhớ mãi đến tấm lòng vàng của mình.
Ngôi chùa có treo ảnh gia đình của đại gia. (nguồn intenet)
Theo tôi, với vụ việc trên, người dân cảm thấy bức xúc cũng là chuyện hết sức dễ hiểu. Bởi vì từ trước đến nay chưa hề có tiền lệ. Đây là một vấn đề hết sức tế nhị, đòi hỏi phải có những ứng xử phù hợp, không nó sẽ tạo hiệu ứng xấu trong xã hội.
Tôi nghĩ rằng, nhà chùa, nơi đại gia kia treo ảnh sẽ phải có những lời phân tích để người ta giác ngộ ra được vấn đề. Đó là dù không treo ảnh, khắc tên nhưng gia đình ông vẫn được người dân nhắc đến mỗi khi đi lễ Phật. Trong cuộc sống, cái trường tồn vĩnh cửu chính là cái tâm của mỗi người. Cái công đức phải tạc sâu vào lòng người và ghi danh ở cõi Phật thì mới đáng quý, đáng trân trọng. Còn khi tạc vào một bức tường hay một cánh cổng của nhà chùa thì cũng chẳng để làm gì.
Tôi hi vọng và sau một thời gian suy ngẫm, vị đại gia sẽ thấy được những lời giác ngộ của nhà chùa là đúng. Lúc đó, họ sẽ tự đến và xin nhà chùa thôi không treo ảnh nữa. Trong vấn đề này, xã hội không nên lên án quá gay gắt. Bởi xét về mặt pháp luật họ không hề sai. Hơn nữa, khi xã hội phản ứng nhiều, có thể đại gia này sẽ gượng ép tháo ảnh xuống nhưng trong tâm họ cảm thấy không phục, không thoải mái. Chúng ta hãy để cho vị đại gia này tự nguyện hạ ảnh mình xuống và sẽ tiếp tục được người đời vinh danh công đức.
Hiện nay, tôi thấy rất nhiều sự việc mà đáng để xã hội lên án. Đó là những người mua thần bán thánh. Họ xây chùa lên không dựa trên lòng thành mà là để thu tiền lễ, làm giàu từ những tấm lòng thơm thảo của thập phương. Thậm chí, có những nơi còn đồn đại có dấu tích xuất hiện của thần, Phật rồi sau đó lập đàn cúng tế. Bao nhiêu tiền công đức họ bỏ vào túi riêng. Những con người như thế chắc chắn phải trả giá. Tôi hi vọng rằng trong thời gian tới những sự việc này sẽ biến mất hoàn toàn.
Đại đức Thích Bản Quyền: “Ngày xưa, vua xây chùa cũng chỉ ghi danh”
Có lẽ, tôi và tất cả những người xuất gia tu hành trên cả nước sẽ không chấp nhận được sự việc và hình ảnh này. Đó chính là hành động trần tục hóa chốn linh thiêng. Không thể có chuyện chùa của làng, của xã, của người dân lại biến thành chùa tư nhân, khắc tên, treo ảnh gia đình đại gia này đại gia khác được. Dù rằng họ có bỏ ra bao nhiêu tiền đi nữa. Người dân đi lễ chùa, tụng kinh niệm Phật, chứ không phải đi chùa để lễ ảnh gia đình đại gia kia.
Khi nghe thông tin này, tôi cảm thấy hết sức buồn và thất vọng. Không thể hiểu được vì sao chính quyền địa phương và nhà chùa lại cho phép vị đại gia kia thực hiện điều đó. Bên cạnh đó, trong trường hợp nhà chùa tự ý treo ảnh người phát tâm công đức xây chùa ở chính điện cũng không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị Giáo hội Phật giáo cần vào cuộc để xem xét sự việc này. Từ trước đến nay, tôi chưa từng thấy ngôi chùa nào mà lại mang tên một cá nhân như thế.
Những người xuất gia, ăn đời ở kiếp ở một chùa như chúng tôi sau này, có về cõi Phật cũng không được đưa lên chính điện chứ nói gì đến đại gia kia. Vẫn biết là người này bỏ tiền ra xây chùa sẽ được phúc đức, người dân sẽ có nơi để cầu an, nhưng mọi việc phải thực hiện trong chừng mực, phải đúng với lề lối nhà chùa.
Theo tôi, có thể ngôi chùa này không có sư nên người ta mới treo ảnh, khắc tên ở trong chùa. Bởi vì, những người xuất gia như tôi, dù vì bất cứ lý do nào đi nữa cũng sẽ không bao giờ chấp thuận điều đó. Ngày xưa, có những chùa mà các vua xây dựng nhưng cũng chỉ ghi danh ở những nơi rất kín như các bia đá, trong sử sách và lòng người dân. Chứ chẳng có ai treo ảnh, tranh hình vua chúa ở chính điện cả.
Có lẽ, đây là một hình ảnh phản cảm mà tôi và tăng ni phật tử cả nước chưa bao giờ thấy được từ trước đến nay. Trong giới luật, người xuất gia chỉ lễ Phật chứ không bao giờ phải vái quan, vua chúa. Đằng này ảnh gia đình đại gia kia lại treo ở chính điện, chẳng khác nào bắt tăng ni phật tử phải vái lạy. Bên cạnh đó, người dân cũng vậy, họ việc gì phải vái lạy bức ảnh của mấy con người phàm tục kia.
Trong trường hợp, nếu vị đại gia đó thấy con đường xấu, phát tâm tu bổ nó rồi có thể đặt tên đường hay treo ảnh mình thì còn có thể chấp nhận được. Nhưng tôi cảm thấy rất tiếc sự việc này lại xảy ra ở chốn linh thiêng. Dường như, nó đã phản tác dụng. Trước đây, tôi đã từng chứng kiến một sự việc hết sức đáng buồn. Có một gia đình nọ làm ăn phát đạt, thành tâm lên nhà chùa một pho tượng Phật.
Tuy nhiên, trước khi mang lên chùa, người này muốn công đức của mình được lưu danh mãi mãi nên khắc tên gia đình mình xuống dưới chân pho tượng. Sau khi bị khách thập phương phản ứng quá nhiều, nhà chùa đã quyết định không nhận công đức của người này nữa. Bởi vì đó là tượng Phật, chứ không phải tượng ông ấy. Hơn nữa, người dân đến quỳ vái, lạy tượng Phật chứ không phải vái lạy tên ông ta.
Theo tôi, trong cả hai trường hợp nêu trên đều là hành động cầu danh một cách lộ liễu. Người ta cúng Phật bằng cái tâm trong sáng. Đừng nên nghĩ rằng việc treo ảnh, khắc tên vào tượng sẽ giúp mình nổi tiếng, người đời phải vinh danh. Sau này ai chắc được rằng, con cháu vị đại gia này cậy đây là chùa của ông bà mình xây, có thái độ không tốt với người dân đến lễ Phật.
Trong vụ việc này, tôi nghĩ rằng đại diện hội Phật giáo của tỉnh Trà Vinh nên can thiệp sớm nhất có thể để không tạo thành một tiền lệ xấu. Đại gia có tiền có thể "chơi" ô tô, "chơi" nhà cửa nhưng tôi khuyên rằng, chùa chiền là chốn tâm linh, không phải chỗ để họ phô trương thanh thế của mình.
Văn Chương - Phạm Hạnh