Trước khi trình dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bộ Tài chính đã lấy ý kiến của nhiều bộ ngành và địa phương.
Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã nhận được 77 ý kiến góp ý, trong đó có 47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn. Các ý kiến còn lại được Bộ giải trình, tiếp thu…
Tờ Zing.vn thông tin thêm, nhiều bộ, ngành đã gửi ý kiến đóng góp có nội dung cảnh báo bộ Tài chính vì cho rằng tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ gây ra tác động lớn đến đời sống của người dân.
Cụ thể, trong bản góp ý do Thứ trưởng, Trung tướng Bùi Văn Thành ký, bộ Công an đề nghị bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra biểu thuế phù hợp.
Đồng quan điểm trên, bộ Công Thương cũng nói phải xem xét, tính toán cẩn trọng khi tăng thuế, do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Việc điều chỉnh thuế cũng cần được cân nhắc trong bối cảnh đang khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học (xăng E5, xăng E10) thay thế các loại xăng không chì. Ngoài ra còn cần đảm bảo giá xăng trong nước không biến động lớn, gây ảnh hưởng đến thị trường và người tiêu dùng.
Bộ Giao thông Vận tải đánh giá việc tăng thuế đối với các mặt hàng xăng dầu sẽ tác động đến chi phí vận tải. Điều này ảnh hưởng đến các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt là các giải pháp nhằm giảm chi phí vận tải logistics.
Bộ này đề xuất nếu tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu thì phải làm có lộ trình, điều chỉnh một cách hợp lý. Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ đánh giá tác động về mặt kinh tế của chính sách này.
Thẳng thắn hơn, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho rằng các chính sách tại dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường và báo cáo đánh giá tác động của bộ Tài chính chưa thể hiện được sự cần thiết và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội nước ta hiện nay.
Bộ này cũng nhận định rằng dự thảo chưa có nội dung rà soát những nội dung trùng lắp của các loại thuế khác nhau với cùng một loại sản phẩm, hàng hóa (xăng, dầu, nylon, than đá…) nhằm tránh việc thuế chồng thuế.
Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, bộ VH-TT&DL nói hồ sơ chưa làm rõ được cơ sở khoa học của chính sách điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường.
“Các lý do đưa ra cũng chưa thống nhất và thuyết phục, đặc biệt là so sánh giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam với một số nước trên thế giới”, văn bản góp ý của bộ VH-TT&DL nêu rõ.
Theo bộ VH-TT&DL, bản chất của việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường là nhằm mục đích bù đắp cho ngân sách Nhà nước, khi Việt Nam thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu các loại hàng hóa như xăng, dầu, than đá… Ngoài ra, tiền thu được sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước và chi cho nhiều hoạt động khác nhau trong đó có chi bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trong báo cáo giải trình lại chưa nói một cách thỏa đáng những nội dung này, gây hiểu nhầm quy định tăng thuế bảo vệ môi trường với thông điệp bảo vệ môi trường.
Bộ VH-TT&DL còn cảnh báo việc tăng thuế người chịu tác động mạnh mẽ nhất là người dân, doanh nghiệp. Hàng hóa sản xuất trong nước sẽ giảm khả năng cạnh tranh.
Đây cũng là quan điểm của bộ Xây dựng khi cho rằng tăng thuế phải đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia và lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Còn trong văn bản góp ý, bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần phải lượng hóa các tác động xấu.
Bộ Ngoại giao thì góp ý bộ Tài chính cần có thêm đề xuất các giải pháp khắc phục, nhất là đối với nhóm người dân có thu nhập thấp.
Tờ Dân trí bình luận, đây không phải là lần đầu tiên bộ Tài chính đưa ra phương án tăng kịch trần khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Và lần nào đưa ra, Bộ này cũng bị phản đối kịch liệt. Các ý kiến phản đối đều cho rằng mức thuế tăng rất vô lý.
Trong khi đó, tờ Tiền Phong dẫn lời chuyên gia về giá - PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, các lập luận của bộ Tài chính đưa ra cho đề xuất tăng thuế của mình chỉ mang tính ngụy biện, lập luận chưa thuyết phục và cố đạt được mục đích tăng thuế. Việc tăng thuế, theo ông Long, luôn ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, kéo giảm tăng trưởng, nên các nước rất ít sử dụng công cụ này.
“Để bù nguồn thu ngân sách thiếu hụt, giải pháp căn cơ là cơ cấu lại phần chi để giảm chi, mở rộng nguồn thu khác, phải nuôi dưỡng nguồn thu, không nhăm nhăm vào thu thuế từ xăng dầu. Các dự báo thời gian tới giá xăng dầu sẽ còn tăng cao, cộng với việc tăng thuế sẽ khiến giá xăng dầu bị đẩy quá mức”, ông Long nói.
H.Y (tổng hợp)