Tình trạng này diễn ra đã lâu, nhưng ngay cả cơ quan chức năng cũng khó kiểm soát được, với tốc độ của đường truyền internet. Tuy nhiên, với mặt bằng giải trí của người dân nước ta như hiện nay, các trang web chính là "cứu cánh" đáp ứng nhu cầu giải trí của một bộ phận khán giả. Họ vừa có thể xem phim, vừa không phải tốn tiền, tốn thời gian đến rạp.
Nỗi khiếp sợ bị tung phim lên mạng
Vừa qua, ba trang web chiếu phim online vừa bị thanh tra bộ VH-TT&DL xử lý theo tố cáo của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA). Ba trang web này đã tạm thời gỡ phim Mỹ ra khỏi website của họ, hoặc chuyển link qua trang khác. Tuy nhiên, đây chỉ là ba trong rất nhiều trang web khác, vẫn đang vi phạm bản quyền phim ảnh mà chưa bị tố cáo hay xử lý. Tìm kiếm phim "Tình người duyên ma" (bộ phim ăn khách của Thái Lan đang được công chiếu tại rạp - PV) bằng tiếng Việt, cho ra kết quả hàng chục website cung cấp dịch vụ xem phim online như: phim8.vn, vuaphim.net, 2phim.vn,...
Vào trang phim.li, ở cột danh mục các phim đang được cung cấp cho khán giả xem online, trong đó có nhiều phim đang chiếu rạp như: "Tình người duyên ma", "Chim ruồi", "Kỵ sĩ cô độc" (mới ra rạp ngày 12/7, cả hai phim đều do Megastar phát hành), "Giải cứu nhà trắng" (ra rạp ngày 5/7 do Galaxy phát hành),... Trên các trang web mạng, có thể tìm thấy tất thảy các phim điện ảnh Việt Nam từ "Để mai tính", "Hotboy nổi loạn", "Bi, đừng sợ!",... đến cả các phim xưa như "Đến hẹn lại lên", "Bến không chồng", "Canh bạc",... Những phim này thuộc hệ thống 50 DVD phim kinh điển do Phương Nam phát hành.
Bộ phim “Tình người duyên ma” mới công chiếu tại Việt Nam đã bị "luộc" tràn lan trên internet.
Đến cả phim bị cấm chiếu tại Việt Nam như "Bụi đời Chợ Lớn", khi bị phát tán đã được chia sẻ "rầm rộ" trên các trang mạng, và chiếu công khai online. Trong khi cơ quan điều tra chưa tìm ra thủ phạm để quy trách nhiệm, thì "Bụi đời Chợ Lớn" đã không còn là bí mật với bất kỳ ai, từng tò mò về bộ phim này. Hay như phim "Nhà có năm nàng tiên" phiên bản điện ảnh, ngay khi vừa công chiếu tại rạp, đã được một khán giả quay lại bằng điện thoại, rồi đưa lên trang youtube chia sẻ với mọi người. Hoặc gói dịch vụ OneTV do FPT cung cấp, là dịch vụ truyền hình tương tác, xem phim trên ti vi được cung cấp qua truyền hình internet. Slogan (khẩu hiệu - PV) của OneTV là "Muốn gì xem nấy!".
Đặc điểm của các trang cung cấp dịch vụ xem phim trên mạng, là các bộ phim đều có hai định dạng HD miễn phí hoặc có thu phí. Trong đó, nếu xem bằng định dạng miễn phí thì nhà cung cấp sẽ chèn thêm quảng cáo, hoặc thu phí khi xem bản không quảng cáo. Và tất cả các trang web này đều có số điện thoại, email liên hệ quảng cáo ở cuối trang. Trên trang vtube.vn, một trang đang chiếu công khai bộ phim bị cấm chiếu "Bụi đời Chợ Lớn", giá quảng cáo vào khoảng 500.000 đồng - 1 triệu đồng/tuần, tùy vị trí đặt banner. Với một "rừng web" phim chiếu online để kiếm lợi nhuận bằng quảng cáo, mà không phải bỏ một đồng mua bản quyền như hiện nay, đang là thách thức với các nhà quản lý.
Chúng ta sẽ vẫn tiếp tục phải xấu hổ trước nạn ăn cắp bản quyền các sản phẩm văn hóa, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác, nếu cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý hữu hiệu. Và cũng phải thừa nhận rằng, những trang web chiếu phim online vẫn "như nấm mọc sau mưa", bởi đã vô tình đáp ứng được nhu cầu giải trí của một bộ phận khán giả. Trong khi ở Việt Nam, bỏ tiền đến rạp vẫn chỉ là sở thích, xu hướng của giới trẻ, hoặc những đối tượng dư giả về tiền bạc, thời gian ở khu vực đô thị. Phim trên mạng vẫn là "cứu cánh" của các đối tượng khán giả còn lại. Những khán giả điện ảnh... không đích thực.
Cốc mò, cò xơi
Mỗi bộ phim chưa ra rạp đã nổi tiếng càng thu hút nhiều khán giả đến xem. Tuy nhiên, chỉ cần có người “luộc” phim nhiều người không cần mất công ra rạp để vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian. Chỉ bằng hành động nhỏ nhưng hậu quả của việc “luộc” phim lại rất lớn, nó đem lại nỗi đau cho rất nhiều người. Nhà biên kịch Nguyễn Quý Dũng, người từng rất thành công với bộ phim Vật chứng mong manh bức xúc nói: "Việc “luộc” lại phim gây ra hậu quả rất lớn nếu không muốn nói là rất ác đối với những người sản xuất. Để làm ra một bộ phim là chuyện không dễ dàng, trong đó kinh phí luôn là nỗi đau đầu của các nhà sản xuất. Nhiều người vì niềm đam mê nghệ thuật họ không tiếc chuyện cầm nhà, cầm xe... để bỏ vốn làm phim. Vậy mà phim chỉ mới ra rạp, chưa thu lại được kinh phí thì đã bị “luộc” lại và phát tán cho nhiều người xem. Khi khán giả đã xem hết rồi, họ sẽ không bao giờ đến rạp nữa. Vì vậy phim mà họ làm ra biết bán cho ai? Nhiều người tán gia bại sản cũng bởi rơi vào tình cảnh này. Và nếu như tình trạng này cứ mãi xảy ra thì chắc chắn sẽ không còn ai dám làm phim nữa. Mà nếu không có ai làm phim thì làm sao điện ảnh Việt Nam có thể phát triển được?".
Nhà biên kịch Chu Thơm chia sẻ: "Ngày xưa, khi internet chưa phát triển như hiện nay thì tình trạng đĩa lậu vẫn còn là nỗi kinh hoàng của nhiều người. Một bộ phim vừa mới phát hành, ngay lập tức đĩa lậu đã được bán tràn lan. Ngày nay với công nghệ tin học đã quá hiện đại thì công nghệ lấy cắp ngày càng tinh vi khiến cho những người làm sáng tạo nghệ thuật rất đau. Có thể nói đây là hành động hưởng trên thành quả của người khác một cách trắng trợn, thiếu nhân cách. Bên cạnh đó, việc lấy tác phẩm của người khác về làm của mình, đặc biệt đối với những tác phẩm đang hot trên thị trường, chắc chắn lượng khán giả vào xem phim sẽ nhiều hơn. Và cái mà họ thu về đó là những hợp đồng quảng cáo béo bở".
Nhà biên kịch Nguyễn Quý Dũng đề nghị: "Hơn bao giờ hết chúng ta cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng bởi nếu tình trạng này cứ mãi xảy ra thì sẽ chết những người còn lòng đam mê với điện ảnh. Bên cạnh đó, cũng cần có những biện pháp xử lý mạnh đối với những người vi phạm".
Cay đắng vì... hòa cả làng
Cũng đồng tình với quan điểm này nhà biên kịch Chu Thơm chia sẻ: "Chúng ta nên có chế tài xử phạt mạnh về những hành động xâm phạm tác phẩm của người khác. Đồng thời phải giáo dục để mọi người hiểu rõ về luật công ước Berne để mọi người hiểu rõ và không vi phạm. Nếu không thì hòa cả làng".
Rõ ràng, nếu như tình trạng "luộc phim" tiếp diễn nó vẫn sẽ là nỗi đau nhức nhối cho nhiều người. Như nhà biên kịch Chu Thơm chia sẻ: "Một tác phẩm nghệ thuật ra đời đó là sự đầu tư rất lớn về thời gian, trí tuệ, tuy nhiên không phải thời gian nào cũng có thể làm tốt bởi trong tác phẩm nó đòi hỏi cái tài thật sự. Nó không giống như những nghề nghiệp khác không phải cày một mảnh đất là xong một thành quả lao động mà nó còn đòi hỏi nhiều thứ khác, một tác phẩm hay và lay động lòng người cần sự lao động nghệ thuật chân chính". Ra đời một tác phẩm nghệ thuật vốn đã cần những sự nghiêm túc, nhưng để bảo vệ được nó còn đòi hỏi sự nghiêm túc hơn gấp nhiều lần.
Việc thực thi quy định chưa nghiêm Luật sư Phạm Văn Phúc, Văn phòng tư vấn luật Phúc & Đồng Sự cho biết: "Hiện chúng ta đã có những quy định pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả để bảo vệ những tác phẩm nghệ thuật của mọi người. Tuy nhiên, nạn vi phạm bản quyền phim ảnh vẫn phổ biến ở nhiều nơi. Bởi thực thi quyền tác giả vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ. Điều 23 của Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính quyền tác giả, quyền liên quan quy định: Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả có thể chịu mức phạt cao nhất lên tới 500 triệu đồng. Đồng thời buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm dưới hình thức điện tử trên mạng internet và các thiết bị điện tử, tin học khác. Quy định thì đã có nhưng thực thi quy định lại chưa đến nơi đến chốn. Nên những trang mạng này vẫn ăn cắp thành quả lao động của người khác, cho khán giả xem phim "chùa", để kiếm tiền bất hợp pháp từ những hợp đồng quảng cáo mang lại". |
Hương Lam - Hợp Phố