Hội nghị giáo dục đại học năm 2024 diễn ra sáng nay (9/8) với nhiều nội dung liên quan đến nhiệm vụ trọng tâm mà các cơ sở giáo dục đào tạo cần tập trung giải quyết, đặc biệt là tự chủ đại học.
Báo cáo kết quả năm học 2023-2024, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, năm học vừa qua toàn ngành đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, trách nhiệm giải trình đối với cơ sở giáo dục đại học là một chủ trương nhất quán và xuyên suốt trong đường lối của Đảng và Nhà nước ta.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng đã thông tin thống kê số lượng đội ngũ giảng viên toàn thời gian tại cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm trong 3 năm gần đây.
Theo đó, số lượng giáo sư công tác trong các cơ sở giáo dục đại học tăng so với năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn năm 2022. Số lượng phó giáo sư là hơn 5.600 người, tăng gần 400 người so với năm 2023.
Trong khi đó vẫn còn hơn 6.000 giảng viên có trình độ đại học. Số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ qua ba năm (2022 - 2024) có tăng nhưng tăng chậm.
Một số trường chủ động xây dựng đề án vị trí việc làm, chủ động trong công tác tuyển dụng, kí kết hợp đồng làm việc với những giảng viên có trình độ tiến sĩ và có năng lực nghiên cứu; đồng thời, sắp xếp, cơ cấu lại và giảm biên chế tuyển dụng các vị trí viên chức, hành chính và người lao động phục vụ.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ những thách thức với giáo dục đại học; để từ đó cùng nhận diện, vượt qua, vươn lên, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của xã hội, người học.
Bộ trưởng nhìn nhận là với cạnh tranh ngày càng gay gắt trên phạm vi toàn cầu đối với hệ thống giáo dục. Cạnh tranh trong thu hút giảng viên, người học; cạnh tranh xếp hạng, thu hút đầu tư và cả ảnh hưởng xã hội… Chúng ta chấp nhận cạnh tranh và coi đó là điều thúc đẩy cho phát triển, đổi mới, gia tăng chất lượng.
Cùng với đó giáo dục đại học phải vượt qua là việc cung cấp nguồn nhân lực ngày càng nhiều, đa dạng và yêu cầu chất lượng ngày càng cao cho một nền kinh tế có nhiều điểm đặc thù như Việt Nam.
Ngoài ra các cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu của người học ngày càng gia tăng số lượng và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng; thách thức giữa kỳ vọng và yêu cầu cao, nhưng đầu tư còn rất khiêm tốn.
Trước những thách thức trên Bộ trưởng lưu ý các cơ sở giáo dục đại học cần tiếp tục hoàn thiện văn bản quy định nội bộ, quy chế nội bộ. Cập nhật những văn bản quy phạm pháp luật mới đưa vào quy định nội bộ để không trái, không mâu thuẫn. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc này.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới. Các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông. Việc xét tuyển sớm có một số tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này: tác động về thái độ học tập của học sinh sau khi biết mình trúng tuyển sớm; các trường xét tuyển sớm để yên tâm với số thí sinh vào học nên chỉ tiêu còn lại ít, dẫn đến điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT rất cao, tạo sự mất công bằng…
Do đó thời gian tới cần xem xét việc này. Về phía Bộ GD&ĐT cũng sẽ cân nhắc để đưa vào định hướng tuyển sinh của năm sau.
"Chúng ta cũng lưu ý không nên quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận cho học sinh, cho xã hội. Các cơ sở giáo dục đại học có tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm. Tự chủ là tự chủ trong khuôn khổ các quy định. Bộ GD&ĐT có thể gia tăng một số khung, chế tài để điều tiết tuyển sinh năm sau. Tự chủ nhưng phải đề cao trách nhiệm xã hội", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, sắp tới quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trường sư phạm sẽ được ban hành. Triển khai thực hiện quy hoạch sẽ có những biến động trong sắp xếp hệ thống các trường.
"Mong rằng, chúng ta đón nhận điều này với một tinh thần đổi mới và tinh thần trách nhiệm đối với ngành, với xã hội", Bộ trưởng nói.