Sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Để làm được việc khó thì phải đồng tâm hiệp lực
Phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự vui mừng và tính cấp thiết phải tổ chức cuộc gặp gỡ.
“Có người khuyên tôi không nên tổ chức cuộc này vì làm sao mà trả lời hết, nhỡ không trả lời hết thì mọi người chuyển từ sự hồ hởi trông chờ ngóng đợi sang thất vọng thì sao? Nhỡ lỡ mồm thì sao. Mọi điều đều có thể xảy ra. Nhưng mong muốn làm thì cứ phải làm và không đắn đo nhiều quá. Và tôi vẫn quyết định tổ chức cuộc gặp gỡ này.
Cũng phải nhắc lại, đây là cuộc gặp gỡ trao đổi chứ không phải cuộc đối thoại. Gặp gỡ trao đổi để gần nhau hơn, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhau, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung”, Bộ trường phát biểu.
Ngành giáo dục và đào tạo đang triển khai những việc rất lớn và rất khó, có việc khó tựa như rời non lấp bể. Ông Nguyễn Kim Sơn đánh giá: “Để làm được những việc khó thì phải đồng tâm hiệp lực, việc càng khó càng lớn thì càng cần phải hiệp lực đồng tâm, cả triệu người cùng nhìn về một phía thì việc khó mấy, lớn mấy chúng ta cũng làm được”.
Báo cáo tổng hợp ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên các cơ sở giáo dục , ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Để chuẩn bị cho Chương trình, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức tập hợp ý kiến của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục, các trường học trên cả nước.
Trong số đó, rất nhiều ý kiến phản ánh về thực trạng việc tổ chức dạy học và giáo dục học sinh theo những chỉ đạo đổi mới của ngành trong thời gian vừa qua đã thu được những kết quả nổi bật trên nhiều phương diện.
Tuy nhiên, theo báo cáo nhiều ý kiến phản ánh thực trạng việc tổ chức dạy học và quản lý ở các cơ sở trường học hiện nay, các chế độ chính sách liên quan đến đời sống việc làm; những khó khăn bất cập, những đề xuất giải quyết, tháo gỡ và những câu hỏi đặt ra với Bộ trưởng.
Ông Nguyễn Ngọc Ân cho biết: “Có gần 2 ngàn ý kiến liên quan đến chế độ tiền lương, phụ cấp: trong đó có nhiều ý kiến mong muốn Bộ trưởng xem xét về chế độ chính sách đối với giáo viên nói chung để đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn”.
Có gần 200 ý kiến phản ánh việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, việc chuyển ngạch giáo viên thực hiện chậm, chưa cập nhật đầy đủ mã ngạch theo qui định, bất cập trong việc xếp lương sau khi hoàn thành đạt chuẩn trình độ đào tạo… Việc này gây thiệt thòi và ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên, rất mong được quan tâm giải quyết để giáo viên yên tâm công tác.
Ngoài ra là các ý kiến liên quan đến tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non. Đa số các ý kiến đề nghị áp dụng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm mon là 55 tuổi. Do đặc thù lao động giáo viên mầm non nên việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 là không phù hợp.
Chính sách cần thay đổi từng bước, phù hợp
Cũng tại phần trao đổi, đại diện các giáo viên ở các tỉnh cũng phản ánh thực trạng thời gian làm việc quy định giáo viên mầm non làm việc 8h/ngày nhưng thực tế làm 10-11h/ngày, do thiếu giáo viên nên có người đang dạy 30 trẻ/lớp.
Tuy tiền lương giáo viên mầm non được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, chưa tương xứng với thời gian, công sức. Các trường mầm non ở các điểm trường ở xa, giao thông đi lại khó khăn nhưng chưa có chế độ đi lại.
Trong quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở khối tiểu học đối mặt với việc thiếu giáo viên ở những môn chuyên biệt, chế độ trợ cấp ở mức thấp.
Trả lời các câu hỏi của giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, chia sẻ những ý kiến của thầy cô gửi đến, “khi trông một đứa trẻ đã vất vả nhưng phải trông cả lớp học rất nặng nhọc”, ông Sơn đánh giá.
Đại diện ngành giáo dục cũng bày tỏ trong suốt thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều quan tâm, có chính sách ưu tiên cho đội ngũ cán bộ giáo viên mầm non và tiểu học. Ngoài lương có phụ cấp, chế độ ưu đãi, trợ cấp đối với các giáo viên vùng sâu vùng xa,…
Tuy nhiên, với tất cả trợ cấp tổng cộng lại mức lương còn thấp, chưa tương xứng. Bộ trưởng cho biết do số lượng cán bộ của ngành hưởng lương cao, nên việc điều chỉnh phải từng bước và hợp lý.
“Bước đầu Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã có thống nhất và dự kiến tăng mức trợ cấp ở bậc mầm non thêm 10%, tiểu học là 5% nhưng cần thời gian xin ý kiến thêm ở các bộ ngành và hy vọng sẽ sớm triển khai”, Bộ trưởng trả lời.
Về chế độ nghỉ hưu, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức đưa giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc và được hưởng chế độ lao động theo nhóm đối tượng này.
Chương trình do Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD&ĐT, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các sở GD&ĐT.
Chương trình là dịp để Bộ trưởng thông tin về tình hình của ngành; chia sẻ, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục trong cả nước chuẩn bị năm học mới.
Để chuẩn bị cho sự kiện, thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận hơn 6.200 ý kiến, trong đó, có khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt.