Trong buổi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học, nhiều ý kiến, vướng mắc của các thầy cô đã được quan tâm giải đáp.
Không phân biệt trường công - trường tư
Đai diện từ các trường đại học ngoài công lập, GS.TS Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa thông tin, bên cạnh một số trường được đầu tư đúng hướng thì phần lớn các trường ngoài công lập vẫn còn gặp khó khăn về chính sách tài chính, chính sách đất đai, thi đua khen thưởng, chế độ vinh danh các nhà giáo vẫn còn rào cản.
GS Phạm Thành Huy kiến nghị với Bộ trưởng và mong muốn các cơ quan có sự điều chỉnh chính sách quan tâm nhiều hơn đến các trường ngoài công lập.
Theo đó, cần tiếp tục có điều chỉnh cơ chế chính sách, tạo cơ hội bình đẳng phát triển cho trường công lập và ngoài công lập, được tiếp cận các nguồn lực về đất đai, ưu đãi thuế, cơ chế chính sách phù hợp. Trong hoạt đông nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, cho phép giảng viên các trường ngoài công lập được phép tham gia đấu thấu các đề tại của Bộ.
“Mong có chính sách động viên các nhà giáo được ghi nhận thành tích, tham gia vào hệ thống thi đua khen thưởng của Bộ GD&ĐT. Các chính sách liên quan đến danh hiệu nhà giáo nhân dân và nhà giáo ưu tú, các thầy cô tham gia giảng dạy từ đầu ở trường ngoài công lập có đủ điều kiện tham gia, mong được xét công nhận các danh hiệu trên”, GS.TS Phạm Thành Huy bày tỏ.
Đối với nội dung này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định luôn có “ứng xử” công bằng giữa các trường công lập và ngoài công lập.
“Bộ GD&ĐT đang kiến nghị các chính sách phù hợp tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập. Trong đó là ưu tiên chính sách đất đai, chúng tôi rất mong muốn Luật Đất đai sửa đổi có nội dung cho đất cho ngành giáo dục nói chung và giáo dục ngoài công lập nói riêng. Điều này thể hiện Nhà nước bày tỏ sự quan tâm cho giáo dục ngoài công lập, trong đó là các vấn đề đất đai, địa điểm, mặt bằng”, ông Nguyễn Kim Sơn trả lời.
Cơ chế tham gia đặt hàng khoa học công nghệ, các đề tại nghiên cứu của Bộ GD&ĐT sẽ được lưu ý trong thời gian tới
Vấn đề khen thưởng và thi đua khen thưởng, đào tạo giáo viên các trường ngoài công lập đang được xét duyệt bình thường và không phân biệt.
Tìm hướng đi cho trường cao đẳng
Cũng tại buổi gặp gỡ, ông Mai Đình Nam – Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) tỉnh Điện Biên đã nêu ra 4 vấn đề mà tập thể nhà trường đang trăn trở.
Trước tiên là mong muốn Bộ GD&ĐT sớm ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm nói chung, các trường CĐSP nói riêng. Trên cơ sở đó, các địa phương làm căn cứ để định hướng phát triển cho các trường CĐSP cũng như có chính sách đầu tư thích đáng để đáp ứng việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tại địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ giảng viên của các trường CĐSP được đào tạo rất cơ bản, nhiều bậc học khác nhau, đa dạng chuyên ngành và đều có trình độ từ thạc sĩ trở lên, có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo giáo viên tiểu học, THCS. Tuy nhiên, hiện các trường CĐSP chỉ đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non.
Vì vậy, mong muốn Bộ có những giải pháp để hỗ trợ cán bộ, giảng viên bằng việc tạo cơ chế để các trường CĐSP được thực hiện việc bồi dưỡng thường xuyên cho cấp Tiểu học và THCS tại địa phương.
Thầy Nam cho rằng hiện nay tồn tại nhiều vấn đề, việc đào tạo cao đẳng đối với giáo viên mầm non là nhu cầu lớn, nhưng đào tạo ở đâu là câu chuyện vấn đang tồn tại, có những trường giáo viên nhiều hơn học sinh, nguồn thu hạn hẹp.
Ghi nhận tính cấp thiết của vấn đề và chia sẻ đến đội ngũ nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ: “Đào tạo cao đẳng đối với giáo viên mầm non là nhu cầu lớn, nhưng đào tạo ở đâu là câu chuyện vẫn đang tồn tại, có những trường giáo viên nhiều hơn học sinh, nguồn thu hạn hẹp”.
Đại diện ngành giáo dục cho rằng thời gian tới cần tìm các giải pháp khắc phục, ở đây Bộ trưởng gợi mở có thể sáp nhập với các trường cao đẳng khác để trở thành trường đào tạo đa ngành.