Dành nửa phiên chiều 6/11, Quốc hội tiến hành chất vấn với nhóm lĩnh vực thứ hai gồm: công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.
Có 88 đại biểu đăng ký chất vấn. Do số lượng đăng ký lớn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị mỗi đại biểu chất vấn một vấn đề tâm đắc nhất và chỉ tranh luận những nội dung thật sự cần thiết.
Trách nhiệm đơn vị làm tăng vốn đầu tư dự án
Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) nêu rõ, 2/3 tổng vốn đầu tư công của giai đoạn dành cho giao thông vận tải, nhưng các dự án giao thông vận tải ở tất cả các nhóm cũng như các dự án quan trọng quốc gia đều phải điều chỉnh thời gian thực hiện, tổng mức đầu tư. Như vậy cho thấy công tác chuẩn bị chủ trương đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư là không chính xác.
Trong khi đó, hồ sơ trình đều báo cáo là chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, khoa học, thực tiễn; các dự án thì đều có phương án dự phòng, kể cả dự phòng ngân sách.
Đại biểu đề nghị đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết trách nhiệm trong việc trình không chính xác thuộc về ai? “Bộ trưởng có cho rằng cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi trình để các dự án không chính xác phải kéo dài thời gian tổ chức thực hiện?”, đại biểu Hoàng Anh chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng nói, trong kì trung hạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải được giao 64 dự án với tổng kinh phí là 300.000 tỷ đồng. Đến nay, đã phê duyệt 60 dự án và đang triển khai.
"Về cơ bản các dự án triển khai tốt, không tăng tổng mức đầu tư hoặc nếu có thì vẫn ít. Chỉ có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 3 dự án tăng tổng đầu tư tương đối cao là cầu Rạch Miễu 2, đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, Mỹ An - Cao Lãnh”, Bộ trưởng cho biết.
Theo ông Thắng, nguyên nhân là trong thời gian khảo sát thiết kế dự án đúng thời gian dịch 2020-2021 dẫn đến khảo sát chưa được triệt để. “Nguyên nhân chính là đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng. Khi khảo sát một đơn giá nhưng khi triển khai chính thức lại đơn giá khác”, ông Thắng nói.
Bộ trưởng GTVT cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị thanh tra, kiểm tra, nghiêm túc xem xét trách nhiệm trong việc này. Nhà thầu cũng bị chế tài xử phạt. Ban quản lý dự án, chủ đầu tư cũng phải kiểm điểm, xem xét trách nhiệm.
"Chúng tôi đang trong quá trình triển khai xử lý trách nhiệm, đặc biệt là xử phạt với đơn vị tư vấn là rất nghiêm khắc, kể cả phạt tiền và xử lý hạn chế cho tham gia thầu các dự án khác", Bộ trưởng nói.
Sắp nâng tốc độ tối đa cao tốc từ 80km/h lên 90km/h
Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) chất vấn về Bộ trưởng GTVT về tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc.
Ông Minh nêu thực tế nhiều tuyến cao tốc mới hoàn thành và đưa vào khai thác chỉ cho phép tốc độ tối đa 80km/h, trong khi quốc lộ 1A có nhiều phương tiện hỗn hợp, gồm nhiều khu dân cư, trụ sở cơ quan và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lại có đoạn tốc độ tối đa 90km/h. “Tại sao lại như vậy? Thời gian tới sẽ có điều chỉnh gì?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với 4 giới hạn về tốc độ, cao nhất là 120km/h và thấp nhất 60km/h.
“Các tiêu chuẩn đặt ra phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật. Nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh có thể chạy được 120km/h, như Hạ Long - Móng Cái, Hà Nội - Hải Phòng. Chỉ cần thêm một yếu tố có độ nhám, có thể tăng tốc độ từ 100km/h lên 120km/h”, ông Thắng nói.
Tư lệnh ngành Giao thông cho biết vừa qua đã rà soát tiêu chuẩn và các cơ quan nhận thấy những tuyến cao tốc đang quy định tốc độ tối đa 80km/h có thể nâng lên 90km/h.
“Bộ GTVT đã điều chỉnh quy hoạch thiết kế đường cao tốc, dự kiến đầu năm 2024 sẽ thay đổi tốc độ giới hạn tối đa ở cao tốc từ 80km/h lên 90km/h”, Bộ trưởng cho hay.