“Sự cố đăng kiểm vừa qua là hết sức đau xót”
Sáng 8/6, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng có thêm 60 phút đầu tiên của phiên họp để trả lời. Vấn đề về loạt sai phạm trong đăng kiểm thời gian qua tiếp tục là nội dung được các ĐBQH đưa ra chất vấn Bộ trưởng.
Trong phiên chiều 7/6, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) nhắc lại nguyên nhân thiếu hụt nhân viên đăng kiểm gây khủng hoảng trong công tác đăng kiểm mà Bộ trưởng GTVT đã đề cập. Đại biểu cho rằng đây cũng có một phần trách nhiệm của Bộ GTVT khi không chủ động, kịp thời phối hợp với các cơ quan để giải quyết vấn đề này.
Đại biểu cũng cho rằng Bộ GTVT cần phải giữ ổn định trong thực thi công vụ để đảm bảo phục vụ người dân, doanh nghiệp trong công tác đăng kiểm. Đồng thời, đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của mình trong vụ việc này.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói sự việc xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng như các Trung tâm đăng kiểm là một sự cố hết sức đau xót đối với lĩnh vực đăng kiểm nói riêng cũng như ngành giao thông vận tải nói chung.
"Bộ GTVT có trách nhiệm cùng với Đăng kiểm Việt Nam về những sai phạm xảy ra trong hoạt động đăng kiểm”, ông nói.
Ông Thắng cho biết thêm, trong công tác điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố, bắt giam bị can do công an các địa phương thực hiện, không phải là Bộ Công an. Về nguyên tắc điều tra, không trao đổi trước với Bộ GTVT. Do vậy, với tinh thần khi xảy ra ở đâu, Bộ GTVT trực tiếp trao đổi, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an để có phương án giải quyết.
Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Công an tạo điều kiện, việc thu giữ máy móc, thiết bị và tài liệu niêm phong để phục vụ cho công tác điều tra có thể làm sớm, làm nhanh, sau đó bàn giao lại cho trung tâm kiểm để để Cục Đăng kiểm tiếp quản và bố trí lực lượng.
Tuy nhiên, 75% trung tâm đăng kiểm của các doanh nghiệp tư nhân nên không phải muốn khôi phục lại là khôi phục được. Đặc biệt, lực lượng bị khởi tố, bắt giam ở các trung tâm đăng kiểm chủ yếu là nhân lực chủ chốt, đăng kiểm viên bậc cao, thường mỗi trung tâm chỉ có một người và thường giữ vai trò lãnh đạo của trung tâm. Để đào tạo được một đăng kiểm viên bậc cao cần 1-1,5 năm.
Theo ông Thắng, sau khi tiến hành nhiều giải pháp, đến nay vấn đề đăng kiểm cơ bản được giải quyết, điều kiện cho các trung tâm đăng kiểm hoạt động cơ bản được đảm bảo. Còn vấn đề giá dịch vụ đăng kiểm đã được Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét khi sửa đổi Luật Giá.
Hồ sơ rất đẹp nhưng vẫn xảy ra sai phạm
Giơ biển tranh luận, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho hay, tất cả giải pháp do thiếu cán bộ đăng kiểm, Bộ trưởng nói chỉ cần đào tạo lãnh đạo cho các trung tâm đăng kiểm là xong nhưng việc đó chỉ giải quyết phần ngọn vấn đề, đại biểu muốn làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan.
“Có phải khi xã hội hóa thiếu sự kiểm tra, giám sát nên xã hội hóa đến mức mất kiểm soát, để các trung tâm đăng kiểm tự do lộng hành, nhiều xe hết niên hạn vẫn được đưa vào sử dụng?”, bà Lịch nêu vấn đề.
Trao đổi lại, ông Thắng chia sẻ nguyên nhân sai phạm của các Trung tâm đăng kiểm do chưa phản ứng kịp thời với thay đổi của chính sách. Ông dẫn chứng Nghị định 139 của Chính phủ có quy hoạch mạng lưới đăng kiểm nhưng khi Luật Quy hoạch ra đời, các quy hoạch ngành không còn hiệu lực nên Trung tâm đăng kiểm ở các địa phương nở rộ.
“Chỉ 2 năm Trung tâm đăng kiểm tăng lên 281, vượt cả mạng lưới đăng kiểm đến 2030. Chính vì việc trung tâm đăng kiểm nở rộ nên cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến tiêu cực”, ông Thắng khẳng định trong câu chuyện này có tham ô, cấu kết, có trách nhiệm và vấn đề đạo đức của các bộ phận từ lãnh đạo cấp phòng đến lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Việc này đã vô hiệu hóa hiệu quả của công tác kiểm tra giám sát bởi khi họ cấu kết với nhau, họ không thể “lấy đá ghè chân mình”.
Nhận diện được vấn đề này, Nghị định 139 sửa đổi đã đưa vào yếu tố kiểm soát việc mở Trung tâm đăng kiểm tại địa phương; phân quyền cấp phép mở dịch vụ đăng kiểm cho Sở GTVT các địa phương và siết chặt quy định kiểm soát công tác đăng kiểm.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) cũng tranh luận với Bộ trưởng về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động đăng kiểm cũng như việc thanh tra, giám sát kịp thời để tránh nhu cầu đăng kiểm tăng cao dễ bị lợi dụng.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận đây là một trong những tồn tại, nguyên nhân khiến xảy ra sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm. Đặc thù của hoạt động đăng kiểm là tương đối khép kín, nên khi thanh tra tiến hành kiểm tra, chỉ kiểm tra được trên hồ sơ, trong khi sai phạm lại không nằm trên hồ sơ. "Hồ sơ rất đẹp nhưng vẫn xảy ra sai phạm", ông Thắng nói.
Bộ trưởng cho biết, qua phân tích kỹ, có lỗ hổng trong hệ thống công nghệ thông tin, khi phần mềm bảo mật kém do vậy đã bị lợi dụng, các trung tâm đăng kiểm đã sử dụng phần mềm can thiệp vào làm thay đổi số liệu trong hệ thống, nếu kiểm tra hồ sơ thì không thể phát hiện được. Đó là khó khăn của công tác thanh tra, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng thời gian qua thanh tra làm chưa hết trách nhiệm.
Ông kể lại khi nhận nhiệm vụ, ông yêu cầu làm ngay hai việc là thanh tra hệ thống đăng kiểm và thanh tra việc đào tạo cấp phép lái xe.
“Nhưng khi anh em về báo cáo có nội dung không làm được là chỉ kết luận có dấu hiệu sai phạm can thiệp hệ thống giám sát thời gian và quãng đường lái xe. Tôi không chịu và nói ông không làm tròn trách nhiệm. Nhiều vụ phức tạp Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm được sao thanh tra không làm được?”, ông Thắng nói về yêu cầu tập trung lực lượng nên vừa qua đã bắt đầu làm có hiệu quả.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ siết chặt hơn nữa, ban hành các Nghị định, thông tư để làm cơ sở cho công tác thanh tra, kiểm tra được quản lý tốt hơn, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị thực hiện nhiệm vụ thanh tra, xây dựng đề án tách kinh doanh dịch vụ công khỏi công tác quản lý để đảm bảo thanh tra, kiểm tra được khách quan, minh bạch.
Đối với việc hoán cải xe, ông Thắng nhấn mạnh nhu cầu của người dân là chính đáng, hiện nay việc hoán cải từ xe 16 chỗ thành xe 9 chỗ đã được quy định trong Thông tư 85 của Bộ Giao thông vận tải, trong đó giao nhiệm vụ này cho các Sở GTVT của các tỉnh chịu trách nhiệm thẩm định các thiết kế cải tạo xe cơ giới mà có đăng kiểm tại địa phương.
Nếu Sở GTVT không đủ điều kiện thì Cục Đăng kiểm có trách nhiệm thực hiện, trong đó chỉ thực hiện hoán cải với các xe không kinh doanh vận tải.