Ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về việc tiếp thu ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Báo cáo tại cuộc họp, Ban soạn thảo dự luật cho biết đã nhận được hơn 100 văn bản góp ý từ các bộ, ngành, hiệp hội.
Liên quan đến nhiều quy định mới của dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang gây tranh cãi trong dư luận xã hội như quy định không được vượt đèn xanh khi nút giao có ùn tắc, xung đột giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh cần nghiên cứu làm rõ hơn, định nghĩa rõ hơn các tình huống để nhân dân hiểu, dễ dàng chấp hành, nghiên cứu đồng bộ với các giải pháp công nghệ để điều hành, tổ chức giao thông đảm bảo khách quan, tiện lợi.
Về đề xuất bật đèn nhận diện ban ngày, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, hiện nay, hầu hết các nước tiên tiến đã áp dụng và ngay trong các nước Đông Nam Á cũng đã quy định hoặc đưa vào Luật. Hiện chỉ còn 4 nước bao gồm Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng đây là biện pháp nhằm tăng cường tính phát hiện nhanh phương tiện khi đi đối diện, hoặc tại các vị trí khuất tầm nhìn. Cạnh đó, hiệu quả của giải pháp này hiện đã được chứng minh trên cơ sở khoa học và thực tiễn ở nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, cần nghiên cứu, giải thích rõ với nhân dân về việc đèn nhận diện ban ngày, tránh tình trạng người dân hiểu là bật đèn pha, cốt như hiện nay. Đây là cơ sở pháp lý để các nhà sản xuất, đơn vị lắp ráp, nhập khẩu xe máy phải đưa vào tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh…
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng chỉ đạo tuyệt đối phải cắt giảm các thủ tục hành chính làm phát sinh các “giấy phép con” không cần thiết. Đảm bảo việc thuận tiện cho các doanh nghiệp hoạt động trên nguyên tắc an toàn, trách nhiệm, cung ứng dịch vụ vận tải tiện ích, chất lượng cho người dân.
Về việc xe đưa đón trẻ em, học sinh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu phải nghiên cứu các quy định, mô hình, tiêu chuẩn của các nước tiên tiến, văn minh. Có lộ trình áp dụng phù hợp, trên nguyên tắc phải ưu tiên hàng đầu việc tạo ra môi trường giao thông an toàn cho trẻ em.
Đối với quy định lái xe kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu xem xét tính cần thiết, có thể quy định theo hướng sau khi được cấp giấy phép lái xe, người đó muốn lái xe kinh doanh vận tải phải có thời gian lái xe liên tục trong 5 năm.
Đối với quy định gắn camera trên xe kinh doanh vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, không cần phân biệt xe vận tải nội bộ, đã là xe kinh doanh vận tải vận chuyển hành khách, hàng hóa đều phải gắn camaera để kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu bỏ những quy định không hợp lý như chứng chỉ của người điều hành vận tải để tạo thuận tiện cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết trong kỳ họp này Quốc hội sẽ biểu quyết bổ sung Luật Giao thông đường bộ vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2020. Luật sửa đổi sẽ được báo cáo lần đầu vào kỳ họp Quốc hội thứ 10 và dự kiến thông qua vào kỳ họp tiếp theo.
Hoàng Mai (tổng hợp)