Cao tốc chất lượng kém thường rơi vào đường cấp thấp
Chiều 9/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể với thời gian 60 phút.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) phản ánh, hiện cả nước dồn sức làm cao tốc nhưng chất lượng đường cao tốc được xây dựng vừa qua bộc lộ nhiều vấn đề, mặt đường gồ ghề, sụt lún... Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân là do thiết kế, thi công hay giám sát và giải pháp giải quyết vấn đề này trong thời gian tới?
Ông Minh cũng cho rằng, để giảm tải đường bộ thì phải phát triển đường sắt. Nhưng đường sắt chỉ chiếm 0,2% thị phần hành khách, 1,2% thị phần vận tải. Vậy xin hỏi Bộ trưởng, hướng cơ cấu lại ngành đường sắt thế nào?
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, cao tốc chất lượng kém thường rơi vào đường cấp thấp. Còn đường chất lượng cao có nhưng không tới mức dự án cao tốc nào cũng không đảm bảo chất lượng. Xây dựng cơ bản hiện nay phải làm thật tốt, dự án cao tốc hiện nay và sắp tới sẽ bám theo các tiêu chí này.
Bộ trưởng nhắc lại các khâu thanh tra, kiểm tra trong quá trình thi công, xây dựng cao tốc hiện khá chặt chẽ, ngoài thanh tra ngành giao thông còn có sự tham gia của công an, thanh tra Chính phủ để hạn chế những vấn đề nhạy cảm.
“Ngành giao thông hiện nay không ai dám làm sai. Ký tá cũng cân đong đo đếm, đảm bảo quy định pháp luật”, Bộ trưởng khẳng định.
Về định hướng phát triển đường sắt, Tư lệnh ngành giao thông cho biết, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, thẩm định dự án đường sắt Bắc Nam tốc độ cao. Kế hoạch là sẽ báo cáo Bộ Chính trị và phấn đấu trong nhiệm kỳ này báo cáo Quốc hội để xin chủ trương đầu tư. Khi có chủ trương đầu tư còn lập dự án đầu tư, 3 - 4 năm sau mới có thể triển khai.
Hệ thống đường sắt hiện hữu sẽ định hướng thành vận chuyển hàng hoá, kết nối xuống các cảng cùng đường biển. Còn đường sắt Bắc Nam tốc độ cao sẽ vận chuyển hành khách để đảm bảo giao thông Bắc Nam thông suốt, nhất là vào dịp lễ Tết.
Ngành giao thông không có tư duy nhiệm kỳ
Tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi: Trước áp lực về tiến độ và chất lượng các công trình giao thông, với các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã cho phép, Bộ có cam kết giải ngân số vốn 50.000 tỷ đồng của giai đoạn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hay không?
Một số công trình xây dựng của Việt Nam còn mang tư duy nhiệm kỳ, nhất là khâu lập, thẩm định, sắp xếp thứ tự ưu tiên dự án. Tình trạng tư duy nhiệm kỳ có tồn tại ở lĩnh vực giao thông hay không?
Với câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, tất cả danh mục đăng ký đầu tư đều được rà soát kỹ.
Hai năm qua, mỗi năm Bộ GTVT giải ngân được 95-95% vốn đầu tư công. Số còn lại chưa giải ngân được đều do yếu tố bất khả kháng là khó khăn về giải phóng mặt bằng, thời tiết, khí hậu bất thường... Vì vậy, Bộ sẽ tích cực chỉ đạo để không gây lãng phí do không giải ngân được vốn.
Ông Thể cũng khẳng định: "Ngành giao thông không có tư duy nhiệm kỳ. Tất cả quốc lộ, cao tốc đều nằm trong quy hoạch, được định hướng nhiều chục năm, chứ không phải bộc phát đưa vào".
Các dự án lớn thường nằm trong các Nghị quyết đại hội Đảng, Nghị quyết Bộ Chính trị về phát triển vùng. “Những căn cứ này đảm bảo sự khách quan, minh bạch. Dù có thông tin người ta nêu là có tư duy nhiệm kỳ, nhưng ngành giao thông là ngành phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch lâu dài, công trình mang tính liên vùng đột phá, nên không có tư duy nhiệm kỳ”, ông nói.
Đồng thời, ông cũng nói thêm các dự án giao thông được Bộ tham mưu Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội. Quốc hội rà soát bấm nút thông qua và cũng giám sát cuối cùng về các dự án.