Chiều 2/11, QH đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về việc lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Các ý kiến thảo luận tại Hội trường đặc biệt quan tâm đến vấn đề lùi thời gian có thêm kinh phí, thời gian lùi 1 hay 2 năm.
Bên hành lang QH chiều 2/11, trả lời PV báo Người Đưa Tin trước khi vào Hội trường giải trình các ý kiến lo ngại về kinh phí sẽ tăng khi lùi thời gian triển khai chương trình GDPT và sách giáo khoa mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Yên tâm. Vấn đề kinh phí đã được nghiên cứu và có kế hoạch cụ thể”.
Lùi 1 năm hay 2 năm?
Phát biểu thảo luận tại Hội trường, ĐB Trần Thị Dung (ĐBQH đoàn Điện Biên) băn khoăn: “Theo tờ trình Chính phủ đề nghị lùi chương trình GDPT mới, tôi đếm còn 30 đầu việc. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa có ý kiến đề nghị lùi 2 năm. Theo tôi, Chính phủ cần lưu tâm nghiên cứu ý kiến này. Thời gian cần và đủ là bao nhiêu, lùi một năm đã đủ chưa. Đặc biệt là còn 30 đầu việc phải làm trong đó có nội dung rất quan trọng là đào tạo giáo viên dạy môn chưa có trong chương trình hiện hành. Tôi băn khoăn là đào tạo giáo viên chưa có trong chương trình hiện hành, một năm có đủ để đào tạo giáo viên không?
Với phân tích trên, tôi đề nghị có phân tích thêm, đề nghị Chính phủ cam kết nếu QH đồng tình lùi thời gian một năm, Chính phủ phải đảm bảo khối lượng công việc và mục tiêu đúng như Nghị quyết 88 đề ra.
Về nội dung quy định tại Điểm b, mục 7 trang cuối báo cáo 486 ngày 20/10/2017 có nội dung: “Trong thời gian chưa triển khai chương trình GDPT và sách giáo khoa mới, các cơ sở dạy học theo nội dung chương trình phổ thông hiện hành và đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá giáo dục học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học từ đó tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh chuyển sang chương trình GDPT và sách giáo khoa mới. Tôi cho rằng đây là vấn đề rất lớn, hệ trọng.
Tôi đề nghị Chính phủ làm rõ: “Trong thời gian chưa triển khai chương trình và sách giáo khoa mới trên toàn quốc, giao cho các cơ sở giáo dục điều chỉnh chương trình hiện hành”. Vậy trong thời gian chưa triển khai thì được hiểu như thế nào? Có phải là từ bây giờ tới năm 2019-2020 hay tính từ thời điểm bắt đầu áp dụng triển khai chương trình GDPT mới đến hết khi 2023-2024. Việc này Chính phủ cần tính và báo cáo”.
Bộ đã chi hết bao nhiêu tiền?
Tại hội trường ĐB Nguyễn Hữu Cầu (ĐBQH đoànNghệ An) nhấn mạnh: “Ở đây tôi nhận thấy mấy việc chưa được rõ, việc thứ nhất đề án thực hiện được 3 năm rồi, cho đến nay theo Nghị quyết của Chính phủ từ tháng 6/20156 đến tháng 7/2018 phải được 3 sách giáo khoa lớp 1, lớp 6, lớp 10.
Vậy qua 3 năm, tôi xin hỏi bộ GD&ĐT làm được bao nhiêu sản phẩm, trong bao nhiêu sản phẩm ấy chúng ta đã chi phí hết bao nhiêu tiền và hiện nay còn được bao nhiêu tiền. Có như vậy chúng ta mới tính được.
Nếu như bây giờ chúng ta không biết sản phẩm trong ba năm ấy là cái gì, đã tiêu tốn của Nhà nước bao nhiêu tiền thì chúng ta lại tiếp tục cho kéo dài.
Tôi thì tôi nghĩ đớn giản đã kéo dài thời gian chắc chắn kéo thêm chi phí. Vì kéo dài thời gian ai làm cho, ai làm cũng có kinh phí.
Hiện nay, trong Quyết định 404 của Chính phủ, tôi thấy nói trọn gói 778 tỷ đồng. Trong lúc đó, dự thảo chương trình ở đây tốn 80 triệu USD tương đương 1798 tỷ đồng.
Bây giờ đổi mới sách giáo khoa lấy 778 tỷ đồng hay lấy 1798 tỷ đồng. Tôi thì tôi đồng tình lùi cũng được, một năm cũng được, hai năm cũng được, 3 năm cũng được, chưa chắc chắn chúng ta lùi. Nhưng lùi thì phát sinh kinh phí, hoặc có phát sinh, Quốc hội phải kiểm soát được.
Đây là tinh thần của Thủ tướng Chính phủ một đồng thuế của dân chúng ta cũng tiết kiệm. Chúng ta làm có hiệu quả tôi đề nghị Chính phủ, Ủy ban Thương vụ Quốc hội nói rõ sản phẩm hiện nay là cái gì, chi phí hết bao nhiêu tiền còn bao nhiêu tiền số tiền đã phê duyệt, sau đó mới bàn đến lùi như thế nào. Nếu không chúng ta lãng phí thì có tội với dân”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Mới tiêu có hơn 50 tỷ đồng”
Giải trình tại nghị trường Bộ trưởng bộ GD&ĐT khẳng định: “Bộ tiếp thu các ý kiến căn cơ, hiệu quả của các ĐB”.
Bộ trưởng nhấn mạnh trả lời vào 3 nhóm nội dung chính. Các ý kiến đại biểu cụ thể, bộ sẽ trả lời bằng văn bản.
Về nội dung đầu tiên là về sách giáo khoa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Triển khai chương trình sách giáo khoa từ phương thức truyền thống theo cách truyền thụ là chính sang phát triển năng lực là một thách thức. Sách giáo khoa mới phải phù hợp với VN. Chính vì thế trong quá trình triển khai, chúng tôi rất chú ý đến kế thừa, phát triển năng lực. Chương trình rất cơ bản nhưng phải có độ mở.
Đúng ra chỉ xin ý kiến 60 ngày nhưng chúng tôi xin ý kiến tiếp lần nữa. Đặc biệt là xin ý kiến các thầy cô để khi triển khai không bị xa lạ. Đổi mới không phải là mới tinh mà là kế thừa, khắc phục, đón nhận cái mới.
Theo chúng tôi, không nhất thiết cơ sở phải sắm mới toàn bộ, chúng ta bổ sung dần chứ không phải ồ ạt sắm mới. Các yếu tố khả thi đã được tính đến. Có một nguyên tắc là chương trình đưa ra ai cũng phải học được chứ không phải nguyên người có điều kiện học được.
Sách giáo khoa hết sức quan trọng. Chúng tôi tiếp cận theo hướng mở. Chúng tôi muốn giáo viên chủ động. Sách giáo khoa không phải bất di bất dịch. Hiện tại chưa có chương trình môn học. Phải có thực nghiệm sách giáo khoa trước khi “
Về nội dung giáo viên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Chương trình có hay đến mấy mà giáo viên không tốt thì cũng không hiệu quả. Chúng tôi đã tính toán nhu cầu giáo viên từng môn học theo yêu cầu chuẩn từng môn, phối hợp để bồi dưỡng giáo viên. Chương trình lớp một không thay đổi nhiều. Giáo viên không có vấn đề gì.
Đối với giáo viên cấp 3, hiện các trường sư phạm đã có một lực lượng học các môn tương tự. Cùng với đó, chúng tôi giao cho các trường sư phạm phải đổi mới, gắn với các trường Cao đẳng sư phạm ở các địa phương để bồi dưỡng lại các giáo viên”.
Đối với cơ sở vật chất, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay: “Về cơ bản đáp ứng quy định hiện hành chúng tôi tập trung các địa phương, ở các thành phố, rút sĩ số lớp bằng cách xã hội hóa”.
Một yếu tố được các đại biểu đặc biệt quan tâm là kinh phí. Bộ trưởng bộ GD&ĐT khẳng định: “Đối với chương trình, mới có tiêu 48,2 tủ đồng như vậy mới tiêu hơn hơn 2 triệu đô, chưa tiêu được nhiều. Đối với chương trình đào tạo giáo viên, số tiền mới tiêu có 2,3 tỷ đồng. Tổng mới tiêu có hơn 50 tỷ đồng. Từng năm một, chúng tôi sẽ báo cáo với QH để giải tỏa một số quan điểm là chi rất nhiều tiền”.
Đỗ Thơm