Như đã thông tin, việc “Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 – ga Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội” đang được các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến phản biện, tranh cãi. Việc đặt ga ngầm C9 đang được dư luận đặc biệt quan tâm bởi ga C9 có thể sẽ gây ảnh hưởng tới di tích và trung tâm văn hoá Thủ đô.
Liên quan tới vấn đề này, một lãnh đạo bộ VH,TT&DL cho biết, hiện nay, bộ chưa có ý kiến chính thức về việc đồng ý hay không đồng ý đặt ga ngầm C9 gần Hồ Hoàn Kiếm. Khu vực dự kiến xây dựng nhà ga là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của Thủ đô Hà Nội. Do đó, việc đặt ga ngầm C9 gần Hồ Hoàn Kiếm cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, tham khảo các ý kiến, đánh giá tác động tới khu vực này.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Nghiêm Xuân Đạt – nguyên Giám đốc sở Kế hoạch – Đầu tư Hà Nội, Phó Chủ tịch hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam cho rằng: “Việc bố trí nhà ga C9 ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm là cần thiết vì khu vực đó nhu cầu đi lại rất lớn.
Tuy nhiên, vị trí đặt ga C9 ở chỗ nào lại là chuyện khác. Nếu đặt ở khu vực chân đê thì cần suy tính đến an toàn đê điều. Nhưng nếu đặt sát chân Tháp Bút lại càng phải xem xét hơn vì đây là di sản, di tích lịch sử - cũng là biểu tượng của Hà Nội và đất nước”
TS. Đạt nói thêm: “Bộ VH,TT&DL cần phải trả lời cho Hà Nội và dư luận biết chứ không thể nói chung chung là Hà Nội cần xem xét. Lưu ý, cần phải xem xét đồng bộ chứ không thiên về kinh tế - xã hội hay bảo tồn. Phải hài hoà lợi ích ở cả hai vấn đề đó”.
“Vị trị đặt ga C9 phải đảm bảo được an toàn di tích và kinh tế - xã hội, cho nên cần hy sinh một số lợi ích. Thậm chí có thể di chuyển vị trí đi 100m cũng không vấn đề gì hoặc mua lại nhà dân để làm nhà ga. Đừng nghĩ là nhà ga cứ phải đặt sát Tháp Bút. Tại sao không phải là vị trí cách đó 100 - 200m vì có cách như thế cũng chẳng ảnh hưởng gì tới việc đi lại của người dân”, TS. Đạt chia sẻ.
Cũng theo TS. Đạt, cần suy xét kỹ việc đặt ga ngầm nằm chềnh ềnh ở khu vực Tháp Bút. Kể cả di chuyển ra sát đê thì vẫn đảm bảo an toàn với công nghệ hiện đại như hiện nay. Có thể sẽ tốn kém thêm một chút nhưng cái được lớn nhất là bảo đảm an toàn cho di tích Hồ Hoàn Kiếm”.
Cũng từng trả lời về vị trí đặt ga ngầm C9, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội là dự án trọng điểm Quốc gia, do UBND TP.Hà Nội làm chủ đầu tư. Bộ GTVT đã được lấy ý kiến với tư cách bộ quản lý chuyên ngành về việc xây dựng ga C9.
Hà Nội đã làm rất thận trọng việc xác định vị trí đặt ga C9 vì việc đặt một ga tàu liên quan đến nhiều yếu tố, từ kinh tế, kết nối giao thông, hệ thống, phương án thi công…
“Tuy nhiên, có một phần ga C9 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích lịch sử Hồ Hoàn Kiếm. Giải quyết vấn đề này phải căn cứ trên đánh giá về tác động môi trường đối với di tích, di sản. Việc này Hà Nội phải làm cẩn trọng để vừa đảm bảo công năng sử dụng của ga, vừa bảo vệ cho di sản và tuân thủ các quy định của pháp luật” – Thứ trưởng bộ GTVT nêu quan điểm.
Xem thêm>>> Trưởng ban trọng tài VFF khẳng định bàn thắng của Văn Toàn là hoàn toàn hợp lệ
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND. Dự kiến, tổng mặt bằng chi tiết các hạng mục của dự án với quy mô: Chiều dài: 11,5km.
Lộ trình tuyến điểm đầu tại khu đô thị Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Điểm cuối trên phố Huế. Trong đó, có 7 ga ngầm: Ga C4-ga Bưởi, ga C5-ga Quần Ngựa, ga C6-ga Bách Thảo, ga C7- ga Hồ Tây, ga C8-ga Hàng Đậu, ga C9-ga Hồ Hoàn Kiếm, ga C10-ga Trần Hưng Đạo...
Thế Anh