Bóng dáng "trùm BOT” liệu có thành "bệ đỡ" cho Tổng công ty Thăng Long

Bóng dáng "trùm BOT” liệu có thành "bệ đỡ" cho Tổng công ty Thăng Long

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 2, 29/01/2018 12:08

Là một trong những cổ đông lớn của Tổng công ty Thăng Long - CTCP nhưng Tasco dường như cũng kém vui khi hiệu quả kinh doanh có dấu hiệu chững lại. Miếng mồi BOT đang trở nên "nóng", lợi nhuận giảm sút khiến Tasco cũng không thể lo cho Thăng Long.

Lên sàn khi lợi nhuận giảm thê thảm

Ngày 11/1/2018 vừa qua, sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội – HNX đã ra thông báo về ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu niêm yết của Tổng công ty Thăng Long – CTCP. Như vậy, sau thời gian dài chuẩn bị, gần 42 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Thăng Long đã chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán, mã TTL.

Theo đó, ngày 18/1/2018, 41.908.000 cổ phiếu TTL chính thức được giao dịch trên sàn HNX với mức giá tham chiếu là 13.000 đồng/CP. Tổng giá trị chứng khoán niêm yết theo mệnh giá là 419.080.000.000 đồng. Trước khi nộp hồ sơ niêm yết tại HNX vào cuối tháng 3/2017, TTL đã từng nhiều lần lỗi hẹn lên sàn.

Đầu tư - Bóng dáng 'trùm BOT” liệu có thành 'bệ đỡ' cho Tổng công ty Thăng Long

Tổng công ty Thăng Long. (ảnh: Internet)

Sau 7 tháng nộp hồ sơ, đến ngày 24/10/2017, sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội mới có quyết định về việc chấp thuận niêm yết cổ phiếu của Tổng công ty và mới đây đưa ra thông báo về ngày giao dịch đầu tiên của gần 42 triệu cổ phiếu TTL. Điểm đáng chú ý, TTL đang trong tâm thế "không mấy vui" khi doanh thu và lợi nhuận nằm trong chu kỳ giảm. Theo tìm hiểu của PV, hiện cơ cấu cổ đông công ty bao gồm cổ đông trong nước nắm giữ 99,87% số cổ phần và không có cổ đông từ nước ngoài.

Trong danh sách cổ đông, Tasco đang là tổ chức nắm giữ cổ phần nhiều nhất, nắm giữ 35,41%. Tiếp đến là TCT Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước - SCIC nắm hơn 25%; ông Mai Ngọc Thịnh - Ủy viên Hội đồng quản trị nắm giữ 11,12%; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội nắm mỗi bên 7,16%; ông Phạm Thế Hùng nắm 5,87 %.

Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý III/2017, lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của TTL đạt 800,7 tỷ đồng, giảm 51,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2016 khi đạt lần lượt là 16,2 tỷ đồng và 14,4 tỷ đồng.

Tính đến 30/9/2017, Tổng công ty Thăng Long có gần 58 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, giảm 53 tỷ đồng so với đầu năm; tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng tăng gần 40 tỷ đồng, lên 84 tỷ đồng.

Khoản tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng vẫn còn trên 19 tỷ đồng. Tổng công ty Thăng Long có tổng tài sản 1.384 tỷ đồng, giảm 22,2% so với đầu năm. Đáng chú ý, hàng tồn kho của TTL lại tăng mạnh hơn 60% lên 239 tỷ đồng. Trên BCTC công ty cũng thể hiện, TTL hiện có khoản nợ xấu với giá trị gốc hơn 176 tỷ đồng, trong đó giá trị có khả năng thu hồi chỉ hơn 42 tỷ đồng.

Sang quý IV/2017, hoạt động của công ty này cũng không khả quan. Theo BCTC riêng lẻ, lợi nhuận sau thuế Thu nhập doanh nghiệp quý này đạt 1.713.037.326 đồng, so với cùng kỳ năm 2016 giảm 1.424.437.955 đồng, tương đương 45,40%. Nguyên nhân do doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 45,68%.

Bên cạnh đó, báo cáo tài chính hợp nhất cũng cho thấy, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV/2017 đạt 14.403.452.222 đồng, so với cùng kỳ năm 2016 giảm 11.413.352.829 đồng tương đương  50,02%. Nguyên nhân do doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm  44,93%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 28,29%, các chi phí khác tăng 1.727,4%.

Kinh doanh kém khả quan là vậy, nhìn vào BCTC cũng cho thấy, đây là doanh nghiệp dường như "sống" bằng tiền đi vay ngân hàng. Một loạt danh sách các chi nhánh ngân hàng lớn vay ngắn hạn, vay dài hạn được điểm tên như: Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn, BIDV, VPBank, TPBank, Ngân hàng Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, Ngân hàng Đông Nam Á...

Được biết, năm 2017, TTL đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.081 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 57 tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết quý IV/2017, TTL vẫn chưa hoàn thành được kế hoạch đề ra.

Cổ đông lớn cũng ngậm ngùi

Như đã nói ở trên, tại TTL thì Tasco là cổ đông lớn nhất. Được biết, Chủ tịch Tasco đang đồng thời nắm giữ vị trí Chủ tịch Tổng công ty Thăng Long. Cách đây vài năm sau đợt IPO Tổng công ty Thăng Long, công ty Cổ phần Tasco đã có tờ trình gửi bộ GTVT đề nghị được tham gia quản trị đơn vị. Lúc đó, đại diện Tasco “khoe” rằng, đơn vị này hiện có số vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận hàng năm tăng trưởng bình quân trên 30%.

Tuy nhiên, một số cổ đông từng cho rằng, họ ngạc nhiên khi nhân sự của Tasco trúng cử chức danh Chủ tịch HĐQT mà không phải là “người” của bộ GTVT, hay 2 đối tác chiến lược. Vào năm 2015, Tasco  đã mua 11 triệu cổ phiếu, nâng số lượng sở hữu từ 3.838.949 cổ phần lên 14.838.949 cổ phần tương đương 35,41% vốn điều lệ. Ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT của Tasco cũng mua 300.000 cổ phần tương đương 0,72%.

Trước đây, trên sàn chứng khoán, Tasco được coi là đại gia trong lĩnh vực BOT. Bởi doanh nghiệp này chuyên xây dựng các tuyến đường giao thông, sau đó thu phí. Đại gia này cũng từng dính đến vụ nhiều lái xe dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí Tasco trên Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Quảng Phú - Quảng Bình) để đề nghị miễn giảm phí cho người dân địa phương. Tasco cũng tham gia rất nhiều dự án BOT khác, nhưng rất nhiều trong số những dự án khởi công đã rất lâu mà vẫn làm dở dang và trì trệ.

Nhìn vào quá trình kinh doanh và BCTC của đại gia BOT này cũng cho thấy, so với các ngành kinh doanh khác doanh thu, lợi nhuận sau thuế không mấy hấp dẫn và giá cổ phiếu có thể nói rất bèo bọt, chỉ nhỉnh hơn giá trị sổ sách vài đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017 của đại gia Tasco cho thấy, doanh thu thuần 381 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ năm trước. Việc sụt giảm doanh thu chủ yếu do mảng kinh doanh bất động sản với mức giảm 64% xuống còn 211 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu xây dựng cũng giảm 49% xuống còn 14 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, 9 tháng Tasco đạt doanh thu thuần 1.415 tỷ đồng giảm 28%, lợi nhuận sau thuế 224 tỷ đồng giảm 25% so với cùng kỳ 2016. So với kế hoạch lãi sau thuế 450 tỷ đồng trong năm 2017, Tasco mới chỉ hoàn thành 50% chỉ tiêu đề ra.

Tính đến phiên giao dịch ngày 25/1, giá cổ phiếu trên sàn của Tasco dừng lại ở mức 11.000 đồng/cổ phiếu. Rõ ràng so với các ngành khác thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 9 tháng của Tasco đạt 1.263 đồng - mức không mấy hấp dẫn giới đầu tư.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, sở dĩ các nhà đầu tư “thích” dự án BT vì đây là hình thức đầu tư ít rủi ro. Khi thực hiện dự án theo hình thức này, nhà đầu tư được Nhà nước thanh toán ngay bằng quỹ đất, trong khi so sánh với dự án BOT phải mất một thời gian để thu phí hoàn vốn, rủi ro vì thế cũng nhiều hơn.

Mặt khác, do đầu tư BOT, doanh nghiệp chủ yếu vay vốn ngân hàng, nếu mức thu không đủ trả lãi và nợ gốc sẽ ảnh hưởng đến phương án kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong thời gian qua, câu chuyện BOT trở nên khá "nóng", cơ quan quản lý Nhà nước có biện pháp thắt chặt quản lý, khiến mảnh đất BOT không còn màu mỡ hấp dẫn các doanh nghiệp như trước đây.

Tổng công ty Thăng Long – CTCP tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long, được thành lập theo Quyết định số 2896/QĐ-TC ngày 6/7/1973 của Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải. Ngày 6/01/2014, Thủ tướng chính phủ đã có Quyết định số 23/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển công ty mẹ - TCT Xây dựng Thăng Long thành CTCP. Đến ngày 28/5/2014, Tổng công ty đã chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP với tên gọi TCT Xây dựng Thăng Long - CTCP với vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng. Đến ngày 24/11/2014, chính thức đổi tên thành TCT Thăng Long - CTCP.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.