Mất nước
Khi cơ thể mất nước, lượng chất lỏng và máu trong cơ thể sẽ giảm. Tình trạng này thường sẽ làm giảm huyết áp, trong một số trường hợp thì gây tăng huyết áp.
Dù tác động theo hướng nào thì tim cũng sẽ chịu áp lực bơm máu nhiều hơn, đập nhanh hơn khi cơ thể vận động nhiều trong trạng thái mất nước. Ngoài ra, mất nước cũng khiến cơ thể rất mệt mỏi.
Để giảm nhịp tim và phục hồi sức khỏe, người bị mất nước cần phải ngưng làm việc hay vận động, tìm nơi mát mẻ như bóng râm, phòng có điều hòa để nghỉ ngơi.
Sau đó, hãy cởi bớt quần áo không cần thiết như áo khoác, đồ bảo hộ để làm mát cơ thể. Đặc biệt là phải bù nước bằng cách uống nước lọc, nước trái cây hoặc đồ uống thể thao.
Thiếu ngủ
Một nguyên nhân phổ biến khác khiến tim đập nhanh là thiếu ngủ. Thiếu ngủ làm tăng nồng độ các loại hoóc môn căng thẳng, làm tăng nhịp tim và huyết áp.
Để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh và ngủ đủ giấc, mỗi người nên ngủ từ 7-9 tiếng/đêm, Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ khuyến cáo.
Đau
Một cơn đau đột ngột và dữ dội có thể làm tăng huyết áp, khiến tim đập loạn xạ, giãn đồng tử và đẩy nồng độ hoóc môn căng thẳng cortisol trong máu tăng cao.
Những cơn đau có thể gây ra hiệu ứng này rất đa dạng, từ gãy xương, bong gân, rách da, bỏng hoặc viêm ruột thừa, viêm tụy. Nhịp tim sẽ trở lại bình thường khi khi những cơn đau này chấm dứt.
Dùng quá nhiều chất gây kích thích
Uống quá nhiều rượu bia, các loại thức uống có caffeine như cà phê, hút nhiều thuốc lá hay tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc trị chứng tăng động giảm chú ý (ADHD), có thể gây tăng huyết áp và khiến tim đập nhanh.
Hãy tìm ra yếu tố có thể gây kích thích quá mức và khiến tim đập bất thường. Ví dụ, nếu tim thường đập nhanh khi uống nhiều cà phê thì hãy giảm bớt cà phê cũng như các loại thức uống có caffeine khác.
Cần làm gì để kiểm soát nhịp tim tốt hơn?
Ngoài thăm khám và điều trị trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa tim mạch, người bệnh cần thực hiện những biện pháp để kiểm soát nhịp tim tốt hơn:
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung nhiều nhóm thực phẩm tốt cho tim mạch như rau xanh, trái cây, các loại hạt, ngũ cốc, cá giàu omega-3… Hạn chế tuyệt đối thức ăn đóng hộp, chế biến sẵn, mỡ động vật, trứng, sữa béo.
Tập luyện thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, yoga… khoảng 30 phút mỗi ngày rất tốt cho sức khỏe tim mạch.
Cân bằng điện giải, đảm bảo nồng độ các ion K+, Ca2+, Na+, Mg2+ luôn ổn định.
Cân bằng công việc, giảm bớt căng thẳng.
Uống đủ nước mỗi ngày.
Thư giãn, nghỉ ngơi phù hợp, tránh bị căng thẳng kéo dài.
Thay đổi, từ bỏ những thói quen xấu như hút thuốc, rượu bia, sử dụng các chất kích thích.
Trang Dung (t/h)