Sáng 13/2, đại diện UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, việc thu phí trở lại của BOT Cai Lậy vẫn chưa thực hiện vào lúc 0h ngày 14/2 như dự kiến. “Chính quyền địa phương sẽ có cuộc họp với các ngành có liên quan để chuẩn bị và thống nhất thời gian bắt đầu thu phí trở lại”, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết.
Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, không khí tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy) vẫn như bình thường vào sáng ngày 13/2. Các phương tiện lưu thông đều đi qua trạm mà không gặp trở ngại nào. Ngay cả trung tâm Điều hành trạm thu phí của chủ đầu tư (công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang) gần đó cũng vắng vẻ.
Theo kế hoạch đã được công bố vào giữa tháng 1/2019, trạm thu phí BOT Cai Lậy sẽ hoạt động trở lại vào lúc 0h ngày 14/2 với phương án giảm giá vé và kéo dài thời gian thu phí.
Trước đó, BOT Cai Lậy sau khi đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2017 đã liên tục bị các tài xế dùng nhiều cách để phản đối, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, buộc phải xả trạm nhiều lần. Ngày 4/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dừng thu phí BOT Cai Lậy để bộ Giao thông Vận tải trình phương án xử lý.
Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang đã nhiều lần bàn bạc, đề ra nhiều phương án xử lý. Cuối cùng thống nhất chọn phương án giữ nguyên vị trí trạm BOT và giảm giá vé cho các phương tiện, mở rộng đối tượng được miễn, đồng thời kéo dài thêm thời gian thu phí.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường quốc lộ 1, được khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần sửa chữa quốc lộ 1 dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.
Theo bộ GTVT, việc quyết định phương án thu phí tại BOT Cai Lậy sẽ có ảnh hưởng đến các dự án tương tự. Do đó, các phương án sẽ được xem xét thận trọng, tránh ảnh hưởng đến các dự án BOT khác cũng như môi trường đầu tư, đặc biệt là việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sắp tới.
Cả nước hiện có 88 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức BOT, trong đó bộ GTVT quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm.