Theo đó, bộ GTVT chỉ ra những vấn đề gây "nóng" dư luận suốt nhiều ngày. Sau khi trạm này đi vào hoạt động từ 1/8/2018 và thu với mức phí từ 35.000 đến 180.000 đồng/lượt ô tô các loại, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông diễn biến phức tạp.
Các tài xế khi qua trạm đã dùng tiền lẻ (mệnh giá 200, 500, 1.000 đồng) vo tròn, nhét vào chai nhựa, thấm nước... để trả phí qua trạm. Việc này đã gây khó khăn cho nhân viên thu phí, cố tình kéo dài thời gian qua trạm, gây ùn tắc giao thông.
Để giải quyết tình trạng này, bộ GTVT cho biết, từ tháng 5/2017, đã có văn bản giao tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các địa phương, nhà đầu tư căn cứ vào từng điều kiện cụ thể dự án, vị trí đặt trạm đề xuất phương án xử lý bất cập.
Sau 5 năm triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT và BT, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì cũng bộc lộ một số tồn tại. Nguyên nhân là do có chủ trương nhưng trong quá trình thực hiện các đơn vị triển khai chưa lường hết tác động xã hội.
Công tác quản lý Nhà nước tại một số nội dung còn có cách vận dụng, hiểu khác nhau dẫn đến phát sinh bất cập; nhiều nhà đầu tư chưa am hiểu sâu về đầu tư theo hình thức BOT…
Đưa ra hướng xử lý những bất cập trên, bộ GTVT cho rằng, Bộ đang khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống luật, văn bản quy phạm pháp luật về hình thức đầu tư PPP.
Trước đó, sau khi chính thức thu phí trở lại trạm BOT Cai Lậy liên tiếp bị các tài xế dùng tiền lẻ để đi qua trạm khiến cho trạm này bị ùn tắc kéo dài nhiều lần. Nhà đầu tư đã phải xả trạm để đảm bảo tình hình giao thông tại khu vực.
Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy từ 1 đến 2 tháng để bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn.