Đây không phải là vụ việc hy hữu khi người dân hay các nhân chứng buộc phải im lặng trước sự hiện hữu của đồng tiền khi cơ quan chức năng dùng nó như một bảo bối để giải quyết sai phạm.
Không nhận tiền thì ... “trắng tay”?
Thời gian vừa qua, dư luận cả nước rúng động trước cái chết của bé Trần Mỹ Ngọc (5 tháng tuổi, ngụ ấp Vĩnh Tường, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) sau khi được tiêm vắc-xin Quinvaxem (24/11) tại trạm y tế xã Hưng Phú. Tuy nhiên, sau khi vụ việc xảy ra, thay vì phải làm rõ nguyên nhân, các quan chức địa phương liên quan đến vụ việc này lại có cách xử lý hết sức khó hiểu. Chẳng hiểu vì nguyên cớ gì, các ngành chức năng đã gợi ý hỗ trợ tiền mai táng cho bé hoặc đưa vấn đề ra pháp luật. Một người đại diện cho công an huyện Phước Long đã “chơi bài ngửa” với gia đình: “Một là hỗ trợ tiền mai táng cho bé. Hai là đưa ra tố tụng trước pháp luật”. Cuối cùng, các bên đi đến thống nhất, gia đình nhận hỗ trợ tiền mai táng 40 triệu đồng với điều kiện: “Không đưa ra pháp luật, không khám nghiệm tử thi, không khiếu nại về sau...”.
Ông Hà Hào Hiệp.
Trả lời báo chí, ông Trần Văn Đ. - cha của cháu bé xấu số chia sẻ, nếu làm lớn chuyện, đưa ra pháp luật và không nhận số tiền trên thì gia đình cũng không biết lấy đâu ra tiền để mai táng cho cháu bé. Được biết, gia đình ông Đ. có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Căn nhà của gia đình chỉ là một túp lều tranh, mái lá nát bươm, vách đất và rộng chừng 20m2. Hàng ngày, ông Đ. chạy xe ôm để nuôi sống gia đình. Số tiền 40 triệu đồng so với tài sản hiện có của gia đình ông quả thực là quá lớn. Sự việc này đã dấy lên sự nghi vấn trong dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng lãnh đạo của địa phương “hỗ trợ” gia đình nạn nhân vì cảm thông với họ hay đây là một hành động “mua” sự im lặng.
Trước đó không lâu, một vị Phó giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng điều khiển xe ô tô gây tai nạn giao thông làm 1 người chết và 2 người bị thương. Qua điều tra của công an, vị Phó giám đốc này có nồng độ cồn trong máu khi điều khiển phương tiện. Sau khi gây tai nạn, người đàn ông này đã bỏ số tiền lên đến cả tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho các nạn nhân. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người ngạc nhiên, sau khi bị khởi tố, vị Phó giám đốc Sở này lại được cơ quan công an cho tại ngoại với lý do lớn tuổi và có nhiều năm cống hiến trong công tác. Khi đó, nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng, những người có chức, có quyền, có tiền trong tay thì sẽ "nhẹ tội" hơn những người dân bình thường?
Số tiền 40 triệu đồng với một gia đình nghèo khó thực sự là tài sản quá lớn.
Cần làm rõ nguyên nhân để rút kinh nghiệm
Sau khi tham khảo về những trường hợp trên, ông Hà Hào Hiệp, nguyên Phó chánh thanh tra bộ Y tế bày tỏ quan điểm: “Không chỉ ở ngành y tế mà các ngành khác đang có nhiều vụ việc sai trái bị rơi vào im lặng hoặc sẽ loanh quanh theo kiểu “con kiến kiện củ khoai”. Chẳng hạn như vụ 3 trẻ em tử vong sau khi tiêm vắc-xin ở Quảng Trị cuối cùng cũng không kết luận được gì, các gia đình cũng chưa được bồi thường, chưa nhận được một câu trả lời chính xác về nguyên nhân, trong khi con thì đã chết thật tức tưởi. Vậy nên, theo tôi, gia đình người dân ở Bạc Liêu nghĩ rằng thà chấp nhận 40 triệu đồng còn hơn là đi lên, đi xuống kiện cáo, kiến nghị nhưng chẳng giải quyết được việc gì. Những người đứng đầu đại diện cho ban ngành Nhà nước (sở Y tế, Công an-PV) đã nói thế rồi thì bản thân họ còn làm gì được hơn?”.
Ông Hiệp cũng phân tích sâu hơn về cái khó của gia đình nạn nhân khiến họ buộc phải “bắt tay” làm theo thoả thuận của cơ quan chức năng: “Tôi được biết, hoàn cảnh gia đình của cha mẹ cháu bé ở Bạc Liêu rất đáng thương. Cả nhà sống trong một túp lều tranh rách nát. Với họ, số tiền 40 triệu đồng là tài sản có làm cả đời cũng khó để dành được. Thêm nữa vì là những người nghèo khó, họ cũng không biết làm thế nào, đấu tranh ra sao để tìm thấy sự thực. Cho nên dù không đồng tình với kết luận của bác sỹ về nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu bé, nhưng họ vẫn bằng lòng với việc nhận 40 triệu đồng rồi im lặng”.
Vị nguyên Phó chánh thanh tra này cũng nhấn mạnh: Có lẽ vì thấy những trường hợp tương tự dù được dư luận ủng hộ nhưng cuối cùng không có hy vọng gì nên họ cho rằng thà nhận tiền còn hơn đi kiện cáo mà không được đồng nào. Qua đó, ông Hiệp kiến nghị: Nói về tổng thể, có thể thấy quản lý trong ngành còn nhiều lỏng lẻo. Nên thực sự để nói cho rõ thì rất khó... Những người chân chính nói ra sai phạm có thể lại bị thiệt thòi. Có khi là những điều bất hợp lý, dù đoàn nọ, đoàn kia thanh tra nhưng tất cả không dám nói thật. Trong vụ việc liên quan đến tính mạng con người như ở Bạc Liêu vừa qua, tôi nghĩ cần phải làm rõ nguyên nhân. Không thể có chuyện dùng tiền thoả thuận để gia đình không đưa vấn đề ra pháp luật, không mổ tử thi để xác định nguyên nhân... Cần phải làm rõ nguyên nhân sự việc để lấy lại niềm tin của người dân đối với các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước. Hiện nay, tôi được biết, nhiều gia đình không dám cho con đi tiêm ở bệnh viện mà bỏ tiền túi đi tiêm dịch vụ dù chi phí rất đắt đỏ. Đơn giản là vì họ không còn tin tưởng vào dịch vụ ở các bệnh viện. Còn ở các nơi tiêm dịch vụ, từ trước đến nay chưa ghi nhận rủi ro nào cả.
Đừng để người dân tiếp tục gánh chịu rủi ro
Ông Hà Hào Hiệp cho biết: “Trước đây, trong quá trình công tác, tôi đã từng nói, công tác quản lý và bảo quản nhiều loại vắc-xin còn nhiều kẽ hở. Hay như việc, kiểm tra các phòng khám tại Hà Nội. Trong quá trình kiểm tra, nhiều nơi còn yêu cầu các cơ sở làm biển trước dù chưa có số đăng ký, chưa được cấp phép. Đi thẩm định mà lại bắt người ta làm biển để treo thì còn thấy được gì? Ở một số quận nội thành, nhiều phòng khám đa khoa treo biển được cấp phép nhưng giấy phép không ghi rõ ngày nào, số bao nhiêu… Mà khi các cơ sở đã treo biển rồi, người dân thấy treo biển to, hoành tráng, lại tin tưởng vào đó khám chữa bệnh rồi cuối cùng gánh chịu rủi ro”.
Văn Chương – Phạm Hạnh