Bún chứa tinopal: Loay hoay tìm cách quản

Bún chứa tinopal: Loay hoay tìm cách quản

Thứ 4, 28/08/2013 10:39

Sau khi thông tin bún chứa tinopal được báo chí đăng tải (đầu tháng 7), các cơ quan chức năng TP đã thanh kiểm tra 298 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh bún tươi và các sản phẩm chế biến từ bột, tinh bột trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, dường như các cơ quan chức năng mới chỉ “gõ cửa” những DN có giấy phép đăng ký kinh doanh, trong khi hàng chục điểm sản xuất bún “chui” hoạt động không có giấy phép vẫn không bị “sờ” đến...

Việt Nam Xanh - Bún chứa tinopal: Loay hoay tìm cách quản
Phía sau xưởng bún “chui” ngụ tại đường TX 13, P.Thạnh Xuân, Q.12

Theo các DN, trong khi chờ kết luận kiểm định mẫu, phần lớn các DN sản xuất bún tươi (bị kiểm tra) đã giảm công suất, thậm chí có DN tạm ngừng hoạt động. Thế nhưng, đây lại là thời điểm “đục nước béo cò” cho những điểm bún “chui” hoạt động suốt ngày đêm. Đơn cử như theo tìm hiểu của phóng viên DĐDN, xưởng bún tại đường số 1, P.15, Q.Gò Vấp mặc dù giấy phép kinh doanh của cơ sở này do quận cấp đã hết thời hạn từ tháng 5/2013 nhưng xưởng vẫn hoạt động với công suất 5 tấn bún/ngày. Hay xưởng bún ngụ tại đường TX 13, P.Thạnh Xuân, Q.12 được cơi nới sát bờ kênh nước đen xì vì ô nhiễm, hoạt động cả ngày và cung cấp ra thị trường trung bình 6-7 tấn/ngày....

Bóp chết DN chân chính

Nếu như trước đây hoạt động đăng ký sản xuất kinh doanh bún do cấp quận/huyện cấp giấy phép, thì nay được gom hết về một đầu mối quản lý là Sở Công thương TP HCM. Tuy vậy, tính tới thời điểm này, mới chỉ có 8 DN bún tươi đạt chuẩn được Sở Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, có giấy chứng nhận VSATTP do Sở Y tế cấp; còn hầu hết là giấy phép cũ do quận cấp (nhiều nơi đã hết thời hạn) và nhiều điểm không có giấy phép. Điều đáng nói ở chỗ, cả 8 cơ sở trên lại đang rơi vào tình thế èo uột, hoạt động cầm chừng do không có đầu ra. Nhiều DN đã giảm 50% công suất, thậm chí có những DN mỗi đêm chỉ sản xuất từ 1-2 tấn bún (giảm 70% so với trước).

Chủ một DN sản xuất bún tại quận 12 cho biết: Đối với những DN đạt chuẩn, để làm ra một kg bún, tổng chi phí chiếm khoảng 5.500 đồng (chưa kể chi phí vận chuyển) tính trên giá thành, nên họ phải bỏ mối với giá 8.000 đồng/kg (đã bao gồm thuế), trong khi đó, những xưởng bún “chui” chỉ bỏ mối với giá từ 5.500 đồng/kg. Đấy là chưa kể, phần lớn cơ sở bún “chui” sử dụng các loại máy móc lạc hậu, với mức đầu tư chỉ hơn 200 triệu đồng, trong khi để đầu tư một xưởng bún đạt chuẩn, riêng chi phí máy móc cũng ngốn hơn 500 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của chủ một đại lý bún, những DN bún đạt chuẩn còn bị “lép vế” so với bún “chui” vì các điểm sản xuất “chui” sẵn sàng nhận lại bún thải từ các đầu mối mang về tái chế lại rồi ngày hôm sau đem bỏ tiếp, trong khi các DN bún sạch không dám làm điều này. Chính vì vậy nhiều mối hàng sẵn sàng ký hợp đồng nhận hàng với bún “chui” và “quay lưng” với những đơn vị bún đạt chuẩn. “Tháng rồi, một đại lý mới chấm dứt hợp đồng 2 tấn bún/ngày với xưởng bún của tôi chỉ vì chúng tôi không chịu nhận bún thừa về tái chế” - Giám đốc một Cty bún ngậm ngùi.

Truy nguồn gốc thực phẩm trôi nổi ?

Theo Đại diện Sở Công Thương TP, hàng loạt các vụ vi phạm từ bún cho thấy công tác quản lý VSATTP nói chung của TP mặc dù được các sở, ngành quan tâm nhưng số vụ vi phạm vẫn có xu hướng tăng và ngày càng khó kiểm soát. Gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ: Một là, trong khi các cơ quan sở, ngành cấp trên chỉ kiểm tra xử lý dựa vào danh sách báo cáo cấp dưới đưa lên trong khi cấp xã, phường là đơn vị trực tiếp quản lý thì vì nhiều lý do chưa nắm sát địa bàn, vì thế mới để tình trạng những lò bún hoạt động “chui” hàng chục năm nay mà không hề bị cơ quan từ cấp Sở xuống kiểm tra. Hai là, mức xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm chưa đủ tính răn đe.

Thực tế, thời gian qua, mặc dù, Chi Cục ATVSTP TP HCM đã phối hợp với Ban quản lý các KCN-KCX TP HCM triển khai các đợt tập huấn, kiểm tra giám sát cho cán bộ cấp sở nhưng hiệu quả còn thấp. Trong đó, cái khó lớn nhất là việc truy nguồn gốc thực phẩm trôi nổi trên thị trường trước khi đưa vào các cơ sở chế biến. Do đó, theo đại diện này, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là cần có một chế tài thật mạnh để bắt buộc các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nói chung và bún nói riêng đăng ký nguồn gốc thực phẩm, nếu không đáp ứng điều kiện này kiên quyết không cho đơn vị đó sản xuất, kinh doanh.

Tới nay, TP HCM cũng đã lập đề án “đảm bảo VSATTP giai đoạn 2012- 2020 và tầm nhìn tới năm 2025” và đề án thí điểm quản lý thực phẩm theo mô hình chuỗi thực phẩm an toàn đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tương lai gần, còn trước mắt theo Đại diện Sở Công thương: Hiện Sở đang tư vấn cho TP xây dựng quy trình hướng dẫn sản xuất bún sạch, trong đó có các tiêu chuẩn cụ thể về đăng ký nhãn mác, thương hiệu với Sở nào? Quy định chất nào tuyệt đối không được dùng, chất nào được bỏ vào bún và với hàm lượng bao nhiêu?... Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đang phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ, một số trung tâm kiểm nghiệm ATVSTP của TP để sớm ban hành những quy chế, quy định về thực phẩm sạch. Tuy nhiên, tính khả thi của các giải pháp này cũng còn nhiều nghi ngại. Bởi đơn giản, những phụ gia thực phẩm hay các loại hóa chất công nghiệp không có trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế thực tế, hoặc nguồn gốc không rõ ràng vẫn bày bán tràn lan trên thị trường, và các cơ quan quản lý loay hoay nhiều năm vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.