Mỹ và Singapore hôm 31/7 đã ký một thỏa thuận để "làm sâu sắc thêm" hợp tác về việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình khi "đảo quốc sư tử" cân nhắc các nguồn năng lượng thay thế để cắt giảm lượng phát thải carbon.
Singapore, một trung tâm tài chính khu vực và là một nhân tố chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, hiện đang phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt để cung cấp năng lượng.
Quốc gia Đông Nam Á đang nghiên cứu các lựa chọn, bao gồm cả năng lượng hạt nhân, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã ký "Thỏa thuận 123" về hợp tác hạt nhân dân sự khi nhà ngoại giao hàng đầu của Washington dừng chân ở "đảo quốc sư tử" trong chuyến công du mới nhất của ông tới châu Á.
"Thỏa thuận 123", được đặt tên theo mục tương ứng trong Đạo luật Năng lượng Nguyên tử Mỹ, rất quan trọng đối với hoạt động đầu tư của các công ty hạt nhân "xứ cờ hoa".
Thoả thuận cung cấp khuôn khổ pháp lý cho hợp tác hạt nhân vì mục đích hòa bình như xuất khẩu vật liệu, thiết bị và linh kiện hạt nhân từ Mỹ sang một quốc gia khác, theo trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ngoài ra, nó còn tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như chuyển giao giáo dục và công nghệ cũng như hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia đối tác.
Các đối tác phải tuân thủ một loạt các yêu cầu về không phổ biến vũ khí hạt nhân để đảm bảo rằng thông tin thu được thông qua thỏa thuận này sẽ chỉ được sử dụng cho mục đích hòa bình.
Washington hiện đang ký kết "Thỏa thuận 123" với 22 quốc gia, như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia hay Philippines, cũng như với 2 tổ chức là Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử châu Âu và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
"Thỏa thuận 123" mới nhất của Mỹ với Singapore phác thảo một khuôn khổ toàn diện để tăng cường hợp tác hạt nhân hòa bình dựa trên cam kết chung về không phổ biến vũ khí hạt nhân", tuyên bố chung giữa hai nước cho biết.
Thỏa thuận dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2024 sau khi được Quốc hội Mỹ xem xét và sẽ có hiệu lực trong 30 năm. Nó sẽ "tạo điều kiện cho Singapore tiếp cận thông tin chi tiết về công nghệ và chuyên môn năng lượng hạt nhân của Mỹ đang được kiểm soát xuất khẩu", theo tuyên bố.
Tuy nhiên, Singapore vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc triển khai năng lượng hạt nhân tại quốc gia này, theo một tờ thông tin đính kèm trong tuyên bố chung hôm 31/7.
"Bất kỳ quyết định triển khai nào cũng sẽ yêu cầu các nghiên cứu chi tiết về tính an toàn, độ tin cậy, khả năng chi trả và tính bền vững về môi trường của năng lượng hạt nhân trong bối cảnh địa phương".
"Hầu hết các thiết kế lò phản ứng hạt nhân tiên tiến vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển và chưa bắt đầu hoạt động thương mại".
Phát biểu tại lễ ký kết, Ngoại trưởng Balakrishnan cho biết Singapore coi việc không phổ biến vũ khí hạt nhân – tức là ngăn chặn sự lan truyền vũ khí hạt nhân – là điều cần thiết cho hòa bình và an ninh quốc tế.
"Các công nghệ hạt nhân thông thường hiện tại không phù hợp với Singapore. Nhưng với những tiến bộ trong công nghệ hạt nhân dân sự, chúng ta cần theo kịp những đột phá trong lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng này", ông Balakrishnan cho biết.
Singapore cũng sẽ tham gia một chương trình của Bộ Ngoại giao Mỹ cho phép các đối tác hiểu rõ hơn về lò phản ứng module nhỏ hoặc các công nghệ năng lượng hạt nhân tiên tiến hơn.
Cơ quan thị trường năng lượng Singapore cho biết trên trang web của mình rằng các lò phản ứng module nhỏ "hứa hẹn sẽ tăng cường tính an toàn và kinh tế" so với các nhà máy điện hạt nhân thông thường, mặc dù hầu hết các công nghệ này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển.
Minh Đức (Theo CNA, Hindustan Times)