Vào thứ Sáu ngày 8/10, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố nhất trí sẽ áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu là 15%. Đây là một bước đột phá lớn về thuế suất doanh nghiệp của nhóm các quốc gia phát triển, sau nhiều năm bất đồng. Bởi khi thỏa thuận được thực thi, nó không chỉ áp đặt mức thuế doanh nghiệp tối thiểu mà còn buộc các công ty phải nộp thuế tại nơi hoạt động, thay vì chỉ nộp thuế ở nơi họ đặt trụ sở chính như trước đây.
Đại diện Tổ chức OECD cho biết: “Với sự tham gia của 136 quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm hơn 90% GDP toàn cầu, thỏa thuận mang tính bước ngoặt này sẽ phân bổ lại hơn 125 tỷ USD lợi nhuận của khoảng 100 công ty đa quốc gia (MNEs) lớn nhất, đảm bảo rằng các công ty này sẽ phải nộp thuế dù kinh doanh ở bất kỳ đâu. Từ đó tạo sự công bằng cho nền kinh tế toàn cầu”.
Mức tăng thuế suất có lộ trình dài hạn
Thỏa thuận thuế toàn cầu được công bố sau khi thực hiện một số điều chỉnh so với văn bản đề xuất ban đầu. Đáng chú ý là thuế suất 15% sẽ không tăng ngay lập tức và các doanh nghiệp nhỏ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi mức thuế mới.
Trên thực tế, điều này gây tác động đáng kể đối đến các nền kinh tế nhỏ. Chẳng hạn, Ireland lâu nay vẫn phản đối việc tăng thuế doanh nghiệp do nước này thường tận dụng mức thuế thấp để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng nhờ cam kết trong văn bản sau sửa đổi rằng sẽ có khoảng thời gian thực hiện được kéo dài nên Ireland đã đồng ý tham gia thỏa thuận.
Một trường hợp khác cũng đã thay đổi quyết định tham gia là Hungary. Quốc gia này từ lâu vẫn lưỡng lự về khả năng đạt được mức thuế chung toàn cầu, đã đồng ý với thỏa thuận mới sau khi nhận được cam kết rằng mức thuế sẽ áp dụng dài hạn.
Các quốc gia thành viên hiện đang tiếp tục giải quyết một số vấn đề quan trọng để thỏa thuận đạt được hiệu lực vào năm 2023. Một trong những nội dung đang cần được tiếp tục thảo luận và thống nhất là công thức để xác định số thuế phải nộp tại các khu vực pháp lý khác nhau.
Nguyên nhân áp thuế chung
Nguyên nhân các nhà lãnh đạo OECD đưa ra thỏa thuận này một phần vì đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu về một chính sách thuế công bằng hơn càng trở nên bức thiết, trong bối cảnh các chính phủ đang vật lộn tìm thêm nguồn thu ngân sách.
Khi đắc cử vào năm 2020, Tổng thống Joe Biden cũng đã tuyên bố rằng muốn đánh thuế người giàu nhiều hơn để giải quyết tình trạng bất bình đẳng. Ông xác định chính sách đối ngoại của Mỹ là một “chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu”. Nội dung là đặt người lao động làm trung tâm, ra quyết sách an ninh quốc gia trên cơ sở lợi ích người lao động, chứ không chỉ là lợi ích của các công ty và tập đoàn lớn.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho rằng thỏa thuận là “một thành tựu quan trọng về ngoại giao kinh tế của cả một thế hệ”. Bà hoan nghênh nhiều quốc gia đã “quyết định chấm dứt cuộc chạy đua về thuế doanh nghiệp” và bày tỏ mong muốn rằng Quốc hội Mỹ sẽ nhanh chóng thông qua để thỏa thuận có hiệu lực tại nước này.
“Thực tế, nền kinh tế toàn cầu sẽ trở nên dễ dàng hơn để kiếm việc làm, kiếm sống, hoặc mở rộng quy mô kinh doanh”, bà Yellen nhận định về thỏa thuận mới.
Phạm Thu Thanh (theo CNBC)