Theo số liệu báo cáo 3 tháng vận hành tuyến buýt nhanh BRT vừa qua, mức bình quân chỉ đạt 42,4 hành khách/lượt, trong khi thiết kế xe có thể chở tối đa cùng lúc 90 khách. Như vậy, sau 4 tháng triển khai, buýt nhanh chỉ phát huy chưa đến 50% hiệu quả dù tổng dự án đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho 14,7km và có đường riêng.
Cũng liên quan đến những ồn ào xung quanh dự án này, lãnh đạo TP.Hà Nội đã nêu ý kiến cho thí điểm xe buýt thường đi vào làn đường của buýt nhanh BRT để tránh lãng phí hạ tầng. Vấn đề này khiến dư luận, nhiều chuyên gia đặt ra những câu hỏi về tính hiệu quả của dự án giao thông công cộng có giá trị cả nghìn tỷ đồng trên địa bàn Thủ đô.
Trước những ý kiến trên, PV báo Người Đưa Tin có cuộc trao đổi cùng chuyên gia giao thông - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông để cung cấp cái nhìn khách quan về dự án này.
PV: Thưa Tiến sĩ, là một người nghiên cứu về giao thông đô thị, ông đánh giá thế nào về hiệu quả bước đầu mà buýt nhanh BRT mang lại dựa trên kết quả báo cáo trong 3 tháng vừa qua về BRT?
TS. Nguyễn Xuân Thủy: Dựa trên báo cáo, có thể nói rằng buýt nhanh BRT đến thời điểm này là kém hiệu quả, đây cũng là điều đã được dự báo từ trước. Trong khi buýt nhanh lẽ ra phải chở được mấy chục người và chạy với tần số vài phút một chuyến thì hiện nay, buýt nhanh BRT ở Hà Nội dù chạy 5-10 phút/tuyến vẫn rất vắng khách. Thậm chí buýt nhanh so với buýt thường còn không bằng mà lại có làn đường riêng, vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, để kết luận về buýt nhanh BRT chỉ qua 4 tháng đầu thì còn hơi sớm.
PV: Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo nghiên cứu để xe buýt thường và 1 số phương tiện khác đi vào làn buýt nhanh. Có ý kiến cho rằng như vậy thì buýt nhanh BRT có khác gì buýt thường?
TS. Nguyễn Xuân Thủy: Tuyến đường dành cho giao thông hiện nay quá nhỏ, chỉ vừa 3 làn đường. Trong khi đó, xe buýt nhanh chở số lượng khách cũng không cao nhưng lại chiếm 1/3 làn đường riêng là không phù hợp và lãng phí. Do vậy, tôi cho rằng việc để buýt thường đi vào làn buýt nhanh BRT ở một số thời điểm là cần thiết.
Mặc dù vậy, xe buýt thường thì đón trả khách phía bên phải, xe buýt nhanh đón trả khách bên trái đường và chạy như thế sẽ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Do đó, khi buýt thường đi vào làn buýt nhanh phải hết sức chú ý quan sát.
PV: Theo ông, lý do nào khiến buýt nhanh BRT ở Hà Nội kém hiệu quả? Ông có kế sách nào hiến cho TP.Hà Nội để dự án này có hiệu quả hơn?
TS. Nguyễn Xuân Thủy: Còn quá sớm để kết luận rằng xe buýt nhanh BRT Hà Nội đã thất bại, tuy nhiên tôi cũng cho rằng, so với số tiền bỏ ra đầu tư là chưa xứng đáng. Nhưng nếu nói là thành công thì chắc chắn không thành công. Tôi tin rằng Hà Nội đã có một bài học về đầu tư sau dự án buýt nhanh BRT này.
Về nguyên nhân khiến buýt nhanh kém hiệu quả thì có thể thấy do việc áp dụng dập khuôn máy móc ở nước ngoài, chọn đường, chọn tuyến chưa phù hợp, không chịu lắng nghe, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, kết nối tuyến còn kém. Và hệ quả tất yếu là sự kém hiệu quả đã được dự báo từ trước.
Tôi cho rằng, một thời gian sau, hành khách đi buýt nhanh sẽ đông hơn nhưng có một số giải pháp tôi thấy cần tham khảo. Thứ nhất, nên để buýt nhanh chạy bên phải đường như buýt thường để người dân làm quen. Thứ hai, nên điều chỉnh kết nối tuyến để khách đi buýt nhanh được thuận lợi hơn... sau đó tính tiếp đến các giải pháp khác.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tại buổi làm việc của lãnh đạo UBND TP.Hà Nội với đại diện các sở, ngành vừa qua, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, lượng hành khách trung bình mỗi xe buýt nhanh BRT chỉ là 34, cao nhất đạt trên 40 khách/lượt. Cùng với đó, việc sử dụng làn xe riêng là chưa hợp lý. Chủ tịch Hà Nội đã giao sở GTVT nghiên cứu, làm việc với tổng Cty Vận tải để trước mắt thí điểm 6 tháng việc cho các loại xe buýt khác đi vào làn BRT, sau đó nghiên cứu mở rộng thêm một số phương tiện khác. Đánh giá sau 3 tháng hoạt động của BRT, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) cho rằng, sau khi đi vào hoạt động, tuyến BRT có lộ trình Kim Mã - Yên Nghĩa (BRT số 1) đã vận hành đúng thiết kế. Theo đó, tuyến buýt đã được chạy đường dành riêng, phương tiện đạt chuẩn kỹ thuật cao. Sau 3 tháng đầu tiên đi vào hoạt động BRT đạt được những kết quả ban đầu. Cụ thể, sản lượng hành khách liên tục tăng, đến nay đã đạt trên 1,2 triệu lượt khách, trung bình 41 hành khách/lượt. “Sản lượng hành khách của tuyến BRT trong 3 tháng qua đã gấp hơn 8 lần so với tuyến cùng lộ trình được đưa vào hoạt động thử nghiệm để phục vụ BRT trước đó”, ông Hải thông tin. |
Nhất Nam (Thực hiện)